![]() |
Trang chủ | Ghi Danh | Thành Viên | Tìm Kiếm | Bài Trong Ngày | Ðánh Dấu Ðã Ðọc |
![]() | #1 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | Sưu Tầm Các Câu Chuyện Về Phật Pháp BỔN SỰ SIRI (VẬN MAY) Duyên khởi. Trưởng giả Cấp Cô Độc đang từ khánh tận gia tài, bổng chốc có đại tài sản (do Thiên nữ mang về) lan truyền khắp kinh thành Sāvatthi (XáVệ) và danh tiếng của Trưởng giả Cấp Cô Độc phút chốc càng rực sáng hơn trước. Có một Bàlamôn sống gần Đại tự Kỳ Viên, Bàlamôn này có biệt tài xem được dấu hiệu vận may. Bàlamôn suy nghĩ: “Trưởng giả Cấp Cô Độc đang nghèo khó, bổng chốc trở nên giàu, lại nổi tiếng hơn trước. Ta giả vờ đến viếng thăm y, xem vận may của y ở đâu, ta sẽ tìm cách đánh cắp vận may của y”. Bàlamôn đến viếng thăm Trưởng giả Cấp Cô Độc, được Trưởng giả tiếp đón niềm nở. Sau những lời thăm hỏi thân tình, Trưởng giả hỏi: – Này Bàlamôn, chẳng hay ông đến thăm tôi có việc gì chăng? Khi đi vào nhà Trưởng giả Cấp Cô Độc, Bàlamôn ngầm quan sát tìm kiếm vận may của Trưởng giả Cấp Cô Độc đang trú ở đâu. Trưởng giả Cấp Cô Độc có con gà trống màu trắng như chiếc vỏ sò được rửa sạch và đánh bóng, con gà được nuôi trong chiếc lồng bằng vàng, trên chiếc mào gà màu vàng ánh của con gà có viên ngọc Siri. Bàlamôn biết rằng: “Vận may của Trưởng giả Cấp Cô Độc là viên ngọc Siri, viên ngọc này đang ở trên mào gà trống trắng”. Khi nghe Trưởng giả Cấp Cô Độc hỏi mục đích viếng thăm của mình, Bàlamôn nói rằng: – Thưa Tôn giả, tôi có dạy kinh điển Bàlamôn cho 500 môn đệ, nhưng con gà trống của tôi thường gáy không đúng lúc, chúng tôi gặp khó khăn không ít trong việc dạy và học tập. Con gà trống trắng của ông gáy rất đúng giờ, chúng tôi muốn có được nó. Tôn giả có thể cho tôi xin con gà trống trắng như tuyết của Tôn giả được chăng? – Vâng, này Bàlamôn, điều này chẳng có gì là khó khăn cho tôi cả. Khi Trưởng giả Cấp Cô Độc vừa đồng ý cho con gà trống lông trắng như tuyết, lập tức viên ngọc Siri rời khỏi mào gà, bay đến nằm trong viên ngọc khác được gắn trên gối. Ông Bàlamôn thấy thế, nói với Trưởng giả cấp Cô Độc rằng: – Thưa Tôn giả, tôi thường bị đau lưng, Tôn giả có có thể cho tôi chiếc gối kia để kê lưng được chăng? – Vâng, này Bàlamôn, hãy lấy chiếc gối đi. Vừa khi ấy, viên ngọc Siri từ viên ngọc bay sang đậu trên đầu chiếc gậy dùng để bảo vệ khi đi đường của Trưởng giả Cấp Cô Độc. Ông Bàlamôn nói tiếp rằng: – Thưa Tôn giả, nhân tiện Tôn giả hãy cho tôi xin cây gậy này đi. Trưởng giả Cấp Cô Độc suy nghĩ: “Bàlamôn này tham lam quá đáng”, nên nói rằng: – Được, này Bàlamôn, hãy cầm lấy cây gậy rồi ra về đi. Viên ngọc Siri lại rời khỏi đầu gậy, bay đến đậu vào búi tóc của bà Puññalakkhaṇā. Thấy thế, Bàlamôn suy nghĩ: “Ta không thể đánh cắp vận may của Trưởng giả này được rồi”. Nên nói với Trưởng giả Cấp Cô Độc rằng: – Thưa Trưởng giả, tôi đến nhà Ngài để tìm xem vận may của Ngài đang trú ở đâu. Trước tiên vận may của Ngài trú nơi mào của con gà trống trắng, khi tôi xin con gà trống trắng, vận may của Ngài lại đến đậu trong chiếc gối; khi tôi xin chiếc gối thì nó lại đến ở nơi đầu gậy. Giờ đây nó nằm trên búi tóc của bà Trưởng giả rồi. Tôi muốn có nó, nhưng vận may không thể nhượng hoặc đánh cắp được. Tôi xin trả lại Ngài những vật vừa xin. Nói xong, Bàlamôn đứng lên từ giả Trưởng giả Cấp Cô Độc rồi ra về. Trưởng giả Cấp Cô Độc đi đến Đại tự Kỳ Viên trình lên Đức Thế Tôn về sự kiện kỳ diệu này. Đức Thế Tôn dạy rằng: – Này gia chủ, hiện tại vận may của người này không thể đi sang người khác. Nhưng thuở xưa, vận may của những người kém trí lại đi sang người có nhiều trí. Theo lời thỉnh cầu của Trưởng giả cấp Cô Độc, Đức Thế Tôn thuyết lên Bổn sự Siri. Bổn sự. Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì kinh thành Bārāṇasī (Balanại), Bồtát sinh ra trong một gia tộc Bàlamôn. Ngài theo học nơi kinh thành Takkasilā, tinh thông nghệ thuật của dòng dõi Bàlamôn. Khi cha mẹ mệnh chung, Bồtát xuất gia làm ẩn sĩ tu tập nơi vùng núi Tuyết tu tập thiền tịnh, chứng đạt các Thiền chứng cùng năm Thắng trí. Thời gian sau, ẩn sĩ xuống kinh thành Bārāṇasī để tìm muối dấm cùng những gia vị khác, ẩn sĩ trú ngụ nơi vườn Ngự Uyển ngoài kinh thành Bārāṇasī. Sáng hôm sau, ẩn sĩ cầm lấy y bát đi vào thành khất thực, ẩn sĩ đứng trước cửa nhà người huấn luyện voi của Đức vua Brahmadatta. Người huấn luyện voi nhìn thấy vị Samôn với phong cách đỉnh đạc, oai nghi nghiêm chỉnh, các quyền trong sáng được gìn giữ chu đáo. Kính phục vị Samôn, người huấn luyện voi thỉnh ẩn sĩ vào nhà, cúng dường vật thực đến ẩn sĩ, rồi bạch hỏi rằng: – Bạch Ngài, hiện Ngài đang trú ngụ nơi nào? – Này gia chủ, ta đang trú ngụ nơi vườn Ngự Uyển của Đức vua ở ngoài kinh thành này. – Bạch Ngài, thỉnh Ngài đến trú ngụ nơi vườn cây của con, rất thuận tiện cho chúng con được cúng dường vật thực đến Ngài. – Lành thay, lành thay, này gia chủ. Người huấn luyện voi hằng ngày hộ độ đến ẩn sĩ rất chu đáo. Bấy giờ có người kiếm củi trong rừng, môt hôm anh đi tìm củi trong rừng sâu, trở về thành quá muộn nên cửa thành đã đóng lại. Anh kiếm củi đến ngủ tạm nơi ngôi đền bỏ hoang lâu năm, anh đặt bó củi làm gối rồi nằm ngủ chờ sáng để vào thành. Cạnh ngôi đền có cây cổ thụ, đàn gà rừng thường về đó trú đêm, gần sáng con gà trống đậu phía trên thải phân xuống trúng con gà trống bên dưới, gà bên dưới hỏi: – Ai dám thải phân lên người ta vậy? – Chính ta đấy. Con gà bên trên lại thải phân xuống trúng con gà bên dưới, tức tối con gà bên dưới nói: – Tại sao ngươi làm như thế, ngươi không biết giá trị của ta ư? – Giá trị của ngươi như thế nào? Con gà bên dưới khoe khoang rằng: – Ngươi không biết được giá trị của ta nên mới khinh thường ta, ta là con gà quí. Ai ăn được thịt ta, mỗi buổi sáng sẽ phát sinh một ngàn đồng vàng. – Có thế mà ngươi cũng khoe khoang là quí. – Thế còn ngươi được gì nào? – Ta còn có giá trị hơn ngươi gấp trăm ngàn lần. Ai ăn được thịt ta sẽ được làm vua, ai ăn được da của ta, nếu là người nam sẽ là vị quan đứng đầu các Đại thần, nếu là nữ sẽ là Hoàng hậu; ai ăn xương của ta, nếu là tại gia sẽ là quan chưởng khố của Đức vua, nếu là bậc xuất gia sẽ được Đức vua trọng vọng, cung kính như vị Cố vấn Đại thần. Anh kiếm củi nghe đầy đủ cuộc cải nhau giữa hai con gà, anh suy nghĩ: “Nếu ta làm vua thì đâu cần gì 1.000 đồng vàng phát sinh cho mỗi ngày”. Nghĩ vậy, anh rón rén trèo lên cây cổ thụ, chộp được con gà đậu phía trên, cẩn thận anh giết chết con gà rồi nhét vào túi vải đựng cơm hằng ngày mang theo vào rừng. Khi cổng thành vừa mở, anh đi nhanh về nhà bảo vợ làm thịt gà cho ngon. Khi gà đã làm xong, đựng trong chiếc mâm, vợ anh mời anh ra ăn thịt gà, anh nói rằng: – Con gà này rất quý, ai ăn được thịt nó sẽ làm vua, nữ nhân ăn da nó sẽ là Hoàng hậu, tôi và bà sẽ là Đức vua và Hoàng hậu. Để được trong sạch, chúng ta hãy ra sông Hằng tắm rửa rồi dùng thịt con gà này. Hai vợ chồng mang mâm thịt gà ra đặt cạnh bờ sông Hằng, rồi xuống sông Hằng tắm rửa cho sạch sẽ. Những cơn sóng do gió thổi đến lan đến bờ, dần dần kéo mâm thịt gà xuống sông, trôi về phía hạ nguồn. Vào lúc ấy, người huấn luyện voi đưa voi ra bến tắm voi nơi sông Hằng, nhìn thấy mâm thịt trôi lửng lờ, anh bơi ra nhặt lấy mâm thịt gà, nghĩ thầm: – Hôm nay đã có vật thực dâng cho thầy ta rồi. Vị ẩn sĩ vốn có thắng trí, suy nghĩ rằng: “Đệ tử ta rất cung kính nhiệt thành với ta, nhưng cứ mãi huấn luyện voi thì sao sao có thể tiến triển được”. Với Nhãn thông, ẩn sĩ thấy người đệ tử có được thịt gà trên sông Hằng, nhờ Thắng trí ẩn sĩ hiểu được giá trị thịt gà này. Lập tức ẩn sĩ đi đến nhà người huấn luyện voi, ngồi vào nơi được soạn sẵn chờ đợi. Khi người huấn luyện voi trở về, đảnh lễ ẩn sĩ xong rồi ngồi xuống một bên bảo vợ: – Ta vừa nhặt được mâm thịt gà trôi trên sông Hằng, bà hãy làm vật thực dâng cho thầy chúng ta đi. Ẩn sĩ nói: – Này gia chủ, chớ nên làm vậy, con gà này rất quý, ai ăn được thịt của nó sẽ làm vua, người nữ ăn được da của nó sẽ là Hoàng hậu. Nói rồi ẩn sĩ lấy phần thịt gà cho người đệ tử, da gà dành cho người vợ còn mình chỉ ăn lấy xương gà. Xong rồi, ẩn sĩ bảo: “Ba ngày nữa vận may sẽ đến với con, con nên cẩn thận đừng để mất cơ hội”. Rồi ẩn sĩ ra về nơi ngụ của mình. Ba ngày sau, nước láng giềng kéo quân vây chặt thành Bārāṇasī, Đức vua bảo người huấn luyện voi trang bị con voi chúa dũng mãnh từng xông pha chiến trận, Đức vua cùng các tướng sĩ xung trận. Để ngụy trang, Đức vcua bảo người huấn luyện voi mặc áo Đức vua giả làm Đức vua, còn Đức vua giả dạng người huấn luyện voi để đánh lừa nghịch quân. Trong lúc lâm trận, chẳng may Đức vua bị trúng tên tử trận, người huyấn luyện voi nhanh trí suy nghĩ: “Nếu giờ ta la lên: “Đức vua đã chết”, lập tức Tướng sĩ sẽ mất tinh thần, chúng ta sẽ thua trận. Kinh thành trù phú này sẽ rơi vào tay nghịch quân, chúng ta khó sống với kẻ chiến thắng”. Người huấn luyện voi ra lịnh rằng: “Tất cả tài sản, vàng ngọc trong kho sẽ chia đều cho các tướng sĩ, nếu chúng ta chiến thắng được nghịch quân”. Người huấn luyện voi thúc voi thiện chiến xông lên phía trước, chỉ huy trận đánh. Lịnh vua ra lan nhanh khắp chiến trận, các tướng sĩ nghe: “Chiến thắng sẽ được thưởng” nên dũng mãnh chiến đấu và nghịch quân đã bị sự dũng mãnh ấy đánh cho tan tác, kinh hoàng chạy trở về nước, không còn dám xâm phạm kinh thành Bārāṇasī nữa. Khi tàn chiến trận, các tướng sĩ mới biết: “Đức vua đã tử nạn, người chỉ huy chiến trận lại là người huấn luyện voi”. Các vị Đại thần bàn luận cùng nhau rằng: “Người huấn luyện voi này thật tài trí, nếu không kinh thành này đã rơi vào tay nghịch quân. Chúng ta chiến thắng được nghịch quân nhờ tài trí người này. Người này đáng được chúng ta làm lễ Tôn vương”. Và tất cả đồng lòng tôn người huấn luyện voi lên làm vua, dĩ nhiên vợ người huấn luyện voi trở thành Hoàng hậu và vị ẩn sĩ được Đức vua kính trọng như bậc thầy. Nhận diện Bổn sự. Người huấn luyện voi nay là Trưởng lão Ānanda, vị ẩn sĩ nay là Đức Thế Tôn([20]). ------------------------------------- ([20])– JA. Sirijātaka. Chuyện số 284 -------------------------------------- Trích từ: Đức Phật và 45 năm Hoằng Pháp Độ Sinh (13) – Một số việc liên quan với Trưởng giả Anāthapiṇḍika Soạn giả Tỳ khưu Chánh Minh __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #2 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | LÂU ĐÀI BẰNG VÀNG (SUVANNA-VIMÀNA) Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Andhakavinda. Thời ấy một đệ tử giàu có và mộ đạo xây cúng dường Ngài một 'hương thất' trên một đồi trọc, thỉnh Ngài đến ở đó và phụng sự Ngài. Sau một thời gian sống chế ngự với giới luật thanh tịnh, lúc từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài ngọc bích tuyệt đẹp với mái bằng vàng. Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy: 1. Ở trên một ngọn núi vàng ròng, Lâu đài rực sáng chiếu quanh vùng, Tấm màn lưới dệt vàng bao phủ, Và lưới chuông rung nhẹ thật trong. 2-3. Trụ tám cạnh tinh xảo thập phần, Xây bằng cẩm thạch cả toàn thân, Bảy châu báu tạo thành từng cạnh, Vàng, bạc, lưu ly với ngọc trân, Lại dát ngọc mắt mèo mã não, Ngọc trai, và ngọc sắc hồng vân. 4. Nền màu rực rỡ, đẹp mắt sao, Không chút bụi lay động dính vào, Ðược các kèo vàng hoàng ngọc cẩn Cùng nâng cả mái điện lên cao. 5-6. Và bốn cầu thang dựng bốn phưong, Các cung ngọc sáng tựa vầng dương, Bốn hành lang được xây cân xứng, Chiếu khắp bốn phương thật rỡ ràng. 7. Trong cung này tráng lệ huy hoàng, Chàng chính là Thiên tử đại quang, Với sắc siêu phàm, chàng chiếu sáng, Trông chàng chẳng khác ánh chiêu dương. 8. Kết quả này do việc cúng dường, Hoặc do giữ giới luật thông thường, Hoặc do đảnh lễ đầy cung kính? Ðược hỏi, xin cho biết hỡi chàng. 9. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn, Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han, Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp, Và đây là kết quả cho chàng: 10. Kiếp xưa con ở An-dha-ka, Con có lòng tin bậc Ðạo Sư, Thân tộc mặt trời, là đức Phật, Con xây tinh xá ở đồi xa. 11. Tại đó, con đầy đủ tín tâm, Vòng hoa, hương liệu, thứ gì cần, Dầu thoa các loại và tinh xá, Con thỉnh Ðạo Sư đến cúng dâng. 12. Vì thế nay con hưởng phước phần: Ở vườn Hỷ lạc, chủ Thiên cung; Trong vườn Hỷ lạc đầy kỳ thú, Nơi lắm đàn chim đến trú chân, Con được các nàng tiên hộ tống, Múa ca, đem lạc thú vô ngần. ----------------------------- Trích từ: Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya Tập II - Thiên Cung Sự Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #3 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | CHUYỆN NGẠ QUỶ DHANAPÀLA (DHANAPÀLAPETA) Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana. Trước khi đức Phật đản sinh, trong quốc độ Dasanna, tại kinh thành Erakaccha, có một vị chủ ngân khố tên là Dhanapàla (Tài Hộ), là một người không có lòng tin, không mộ đạo, keo kiệt và đầy tà kiến. Những công việc của vị này có thể hiểu được qua Kinh điển Pàli. Lúc từ trần, vị ấy tái sanh làm ngạ quỷ trong một vùng sa mạc hoang vắng. Ngạ quỷ đi lang thang khắp nơi, bị đói khát giày vò hành hạ. Thời ấy, một số thương nhân sống ở Sàvatthi chất đầy hàng hóa lên năm trăm cỗ xe và khi đã đến Uttarapatha, họ bán các hàng ấy. Sau đó, họ lại chất đầy hàng hóa lên xe để trở về. Họ khởi hành lên đường về nhà lúc chiều tối họ đến tại một gốc cây. Ở đấy họ tháo cương bỏ bầy bò ra và tạm trú qua đêm. Thế rồi ngạ quỷ kia bị cơn khát nước giày vò liền đến nơi ấy kiếm thứ gì để uống, nhưng không được giọt nào, nó liền thốt tiếng kêu. Khi thấy nó, các thương nhân hỏi: 1. Trần truồng và xấu xí hình dung, Gầy guộc và thân thể nổi gân, Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ, Ngươi là ai đấy, hỡi vong nhân? Ngạ quỷ đáp: 2. Tôn giả, ta là ngạ quỷ nhân, Thần dân xấu số của Diêm vương, Vì ta đã phạm hành vi ác, Ta đến nơi ma đói ẩn thân. Ðám thương nhân: 3. Ngày xưa ngươi phạm ác hành gì, Do khẩu, ý, thân đã thực thi, Vì hạnh nghiệp nào ngươi đã đọa Từ đây đến cảnh giới âm ty? Ngạ quỷ: 4. Kinh thành bộ tộc Da-san-na, Danh vọng lẫy lừng E-ra-ka, Thuở trước ta là nhà triệu phú, Với tên Tài Hộ tặng cho ta. 5. Tám mươi ngàn chẵn cỗ xe lừa Chất chứa vàng ròng sở hữu ta, Thuở đó ta nhiều vàng bạc lắm, Ngọc trai, ngọc mắt báo đầy nhà. 6. Như vậy ta là đại phú ông, Nhưng ta lại chẳng muốn cho không, Khi ta ăn uống, ta cài cửa Ðể bọn ăn mày chẳng ngóng trông. 7. Xưa ta không mộ đạo, xan tham, Keo kiệt, dùng lời nói hại nhân, Ta cản nhiều người chuyên bố thí, Những người làm phận sự chuyên cần. 8. Ta nói: 'Không sao có phước phần Dành cho việc bố đức thi ân, Tu thân đâu có đem thành quả?' Ta phá bao nguồn nước vệ đường, Ao giếng, hồ sen, vườn cảnh đẹp, Lối đi hiểm trở khó băng ngang. 9. Như vậy ta không tạo phước ân, Làm người gây ác nghiệp từ trần, Tái sanh vào xứ loài ma quỷ, Ðói khát luôn hành hạ khổ thân, Từ đấy đến nay ta tạ thế Tính ra vừa đủ năm lăm năm. 10. Ẩm thực ta không được hưởng phần, Do không có bố đức thi ân, Thì điều tai hại là như vậy, Vì ngạ quỷ luôn hiểu biết rằng: 'Nếu chẳng muốn thi ân bố đức, Thì điều tai hại cũng ngang bằng'. 11. Thuở trước ta không muốn phát ban, Ta không bố thí các kho tàng, Mặc dù bố thí là công đức, Ta chẳng tạo nên chốn trú an. 12. Ngày nay ta hối hận ăn năn, Nặng trĩu trong lòng bởi phải mang Hậu quả việc làm bao ác nghiệp, Và sau bốn tháng sẽ từ trần. 13. Ðọa miền địa ngục hãi hùng sao, Có bốn góc và bốn cửa vào, Ngục được chia phần theo kích thước, Xung quanh bao bọc với tường rào Làm bằng sắt nóng và trên mái Cũng có sắt che tận đỉnh cao. 14. Nền bằng sắt rực lửa bừng bừng, Nóng bỏng, chói lòa khắp mọi phương, Ðịa ngục muôn đời còn đứng mãi, Trải dài luôn cả trăm do-tuần. 15. Nơi kia ta chịu khổ lâu dài, Thọ quả do tà nghiệp chín muồi, Vì thế ta thường ân hận mãi, Khóc than thực tế chẳng hề nguôi. 16. Bởi vậy ta đem chuyện thật hay Nói cùng chư vị họp nơi đây, Ðừng bao giờ phạm hành vi ác, Dù giấu kín hay được tỏ bày. 17. Nếu ngươi đang phạm việc sai lầm, Hoặc sắp phạm, thì nỗi khổ tâm Sẽ chẳng rời ngươi, dù trốn tránh, Bay lên trời đến giữa hư không. 18. Hãy luôn tôn kính mẹ cùng cha, Quý trọng bậc niên trưởng tại nhà, Quy ngưỡng Bà-la-môn, đạo sĩ, Do vầy, thiên giới sẽ chờ ta. 19. Không giữa trời hay giữa biển thanh Dẫu đi vào kẽ núi non xanh, Cũng không tìm được trong trần thế Nơi chốn thoát thân khỏi ác hành. Các thương nhân thương xót ngạ quỷ liền rảy nước vào mồm nó. Nhưng vì ác nghiệp của ngạ quỷ kia, nó không thể nuốt được. Họ hỏi nó: - Thế giờ đây ngươi không thể nào dịu bớt đôi chút khổ đau? Ngạ quỷ đáp: - Có thể được khi ác nghiệp này đã được tiêu trừ. Nếu giờ đây có lễ vật cúng dường đức Như Lai hoặc chư đệ tử của Ngài và công đức lễ cúng dường ấy được hồi hướng đến ta, thì ta sẽ được giải thoát ra khỏi kiếp sống ngạ quỷ này. Khi các thương nhân đã nghe chuyện ngạ quỷ xong, họ trở về Sàvatthi, trình lên đức Thế Tôn, rồi suốt bảy ngày làm đại lễ cúng dường Tăng chúng có đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức ấy đến ngạ quỷ. ----------------------- Trích từ: Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya Tập II - Ngạ Quỷ Sự Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #4 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | Bậc Chiến Thắng Bất Diệt, Bạn Của Ta Giờ Ở Đâu? Sớm hôm ấy, tại Kỳ Viên tịnh xá, chư tăng ai cũng lấy làm ngạc nhiên, tò mò khi thấy một trung niên thợ săn, hình dong cao lớn, râu ria xồm xoàm, bước ào vào cổng, cất giọng ồm oàm, hỏi vị này, vị kia, cũng chỉ một câu hỏi: “- Bậc chiến thắng bất diệt, bạn của ta, giờ ở đâu?” Hay tin, đức Phật mỉm cười, bảo tỳ-khưu thị giả: - Hãy bảo người ấy vào gặp Như Lai! Và sau khi, người thợ săn ấy vào gặp đức Phật, không biết ngài đã giáo giới như thế nào mà buổi chiều, đức Phật bảo tôn giả Sāriputta sắm sửa y bát, và tôn giả Mahā Kassapa chủ trì cho ông ta thọ đại giới. Câu chuyện lạ lùng ấy làm cho chư tăngi bàn tán suốt mấy hôm. Đức Phật phải đích thân kể chuyện lại một cách vắn tắt là: - Sau khi thành đạo dưới cội bồ-đề, trên đường về Vườn Nai gióng trống pháp, Như Lai gặp một vị đạo sĩ trên đường ngược chiều, ông ta chính là Upaka thuộc phái Ājivakā. Thuở ấy, Như Lai đã gieo một hạt giống, và hạt giống ấy hôm nay đã nảy mầm, tăng trưởng nên ông ta đã tìm đến đây xin xuất gia sống đời phạm hạnh. Rồi ông ta sẽ đắc được quả Bất Lai, và bà vợ của ông ta, sau này sẽ đắc quả A-la-hán đấy! Các vị đa văn, các vị kết tập sư, sau này đã cố gắng tìm hiểu câu chuyện, sắp đặt lại bố cục, tình tiết rồi họ thuật lại như sau: - Upaka là một nhà tu khổ hạnh trẻ tuổi, đẹp trai; vì ở lâu trong rừng núi nên người ta gọi chàng là “ẩn sĩ thanh tịnh!”; lại nữa, chàng có đôi mắt đen rất đẹp nên người ta cũng gọi chàng là “đạo-sĩ-mắt-đen!” Thuở nhỏ, Upaka đã lìa bỏ gia đình, xin xuất gia theo giáo phái Ājivakā, từ đó, rừng núi là nơi chàng chọn lựa để tu tập thiền định. Ngày ngày, Upaka đi khất thực đâu đó rồi trở lại ngôi rừng thân yêu của mình, nhưng tâm chàng cứ như vượn hoang, như khỉ núi chẳng an trụ được. Nhưng mọi người thấy dung mạo, cử chỉ, thái độ và hạnh độc cư thanh tịnh của Upaka nên cứ đồn đãi chàng là một vị A-la-hán. Ven khu rừng có một xóm làng nhỏ, ít người nhưng đời sống khá sung túc nhờ ruộng rẫy, gỗ quý và cả nghề săn bắn. Ở đây, ai cũng tín mộ, thương quý chàng. Đặc biệt, có một gia đình trùm thợ săn hào phú kia thường trực đặt bát cho đạo sĩ mắt đen. Hôm nọ, sau cuộc vân du trở về, trên đường ngược chiều, Upaka trông thấy một người, một sa-môn trung niên (đức Phật). Chàng đứng sững lại... Sa-môn kia không cao lớn thái quá, chẳng phải gầy, chẳng phải mập mà đầy đặn. Y áo chẳng phải cũ, chẳng phải mới mà thanh sáng và hài hòa. Tất cả nơi ông sa-môn đều toát ra cái chừng mực, vừa phải nhưng đẹp, uy nghi và gợi cảm một cách lạ lùng. Upaka bước tới rồi bước lui, nhìn ngắm mê mải. Có một thứ ánh sáng sáu màu, khi đậm, khi nhạt, khi lan rộng như hòa lẫn giữa hư không; lúc thì thu nhỏ lại, rực rỡ, tỏa hắt ra, lung linh, chập chờn rồi yên lặng, phẳng lặng như mặt nước hồ thu không gợn sóng. Đến gần hơn tí nữa thì Upaka hoàn toàn bị nhiếp phục bởi sự trầm tĩnh, ổn định, an lạc toát ra từ đôi mắt, từ bước đi... Có một sự khôn ngoan vượt ngoài thế giới, sự minh triết rạng ngời, một trí tuệ siêu đẳng ở ẩn đâu đó, không chỉ nơi vừng trán bát ngát thông minh, mà còn ở nơi cả từng sợi tóc, lông mi, từng ngón tay, lóng tay và cả ngón chân nữa! Upaka tự nghĩ: “Đấng này, vị sa-môn này, chắn chắn không phải là người, là phạm thiên chăng?” Sau đó, Upaka cất tiếng chào, mở lời thân thiện, tán thán rằng: - Ôi! Con người của bạn nó tỏa ra sự an ổn và thanh tịnh làm sao! Rồi còn nước da nữa, sao mà trông như mạ vàng ròng, chắc sức khỏe của bạn dồi dào lắm! Thế thì bạn tên chi? Xuất gia với ai? Bạn tin tưởng vào giáo pháp nào? Đức Phật, sau đó, cũng hỷ xả cho Upaka biết rằng: - Như Lai là bậc đã vô nhiễm giữa trần cảnh, đã đoạn tận ác pháp, đã tịch tĩnh, vô dục, đã bước ra khỏi mọi chấp kiến bản thân và thế gian điên đảo kiến. Như Lai đã chiến thắng tam giới, chứng quả Vô Thượng Giác thì Như Lai đâu còn cần xuất gia với ai nữa? Giữa chúng chư thiên, ma vương, phạm thiên thì Như Lai đứng một mình và là thầy của họ. Nay Như Lai đang đi về Bārāṇasī, tại Vườn Nai để quay bánh xe pháp, gióng tiếng trống bất tử cho chúng sanh tỉnh giấc mộng dài... Upaka bèn nói: - Mong rằng sự thật đúng như bạn nói. Bạn thật xứng đáng được gọi là bậc Chiến Thắng Bất Diệt! Đức Phật đáp: - Này Upaka! Kẻ giải thoát ra khỏi mọi trói buộc trần gian xứng đáng được gọi như vậy. Kẻ mà ma quân, phiền não không còn tìm thấy dấu vết, xứng đáng được gọi như vậy. Các đức Như Lai, Chánh Đẳng Giác thường được danh xưng là Tối Thượng Tôn, Vô Năng Thắng, là bậc Chiến Thắng Bất Tử, Chiến Thắng Vô Tận, Vô Hạn Định! Upaka gật đầu lia lịa: - Thật đúng như vậy! Thôi, này bạn của ta, chào bạn và chúc bạn sức khỏe! Sau khi đối thoại với đức Đạo Sư, tán thán đức Đạo sư, gật đầu lia lịa, chào “bạn của ta”, Upaka không dừng chân ở giáo pháp này, chàng bỏ đi. Bằng đường tắt, Upaka trở lại lều cỏ, nơi khu rừng Vakahara thân yêu của mình. Lại khất thực, lại thiền định, lại tâm viên ý mã, lại đi về thanh tịnh, trang nghiêm; lại được mọi người kính mộ coi chàng như là một bậc A-la-hán. Gia đình ông trùm thợ săn kia có cô con gái đào tơ, sen ngó; nàng là pho tượng, là tác phẩm tuyệt mỹ của thợ trời, thợ nghiệp. Nàng đẹp đến nỗi, ông thợ săn không dám cho con gái đi đâu, sợ làm phiền hà, rầy rà các chàng trai trẻ trong vùng! Nàng tên là Cāpā. Hôm kia, vì cả nhà đi vắng, nên Cāpā phải ra đặt bát cho chàng “đạo-sĩ-mắt-đen”. Thế là Upaka chết lặng, sững sờ, tiếng sét ái tình đột ngột như đập vỡ trái tim chàng. Căn nhà khép cửa đã lâu mà chàng như còn mãi chôn chân một chỗ, không rời chân đi được. Cuối cùng, Upaka như người mất hồn, lững thững lê bước về ngôi lều cỏ, tâm thần choáng váng như vừa uống một tách rượu say. Upaka không ăn, không uống gì được. Chàng ngồi trọn bảy ngày như thế, bình bát chưa hề mở ra. Trong sâu xa mơ hồ, Upaka thấy rõ tâm tư và quyết chí của mình: “Một là ngồi chết khô, hai là phải lấy được cô con gái kia làm vợ!” Sau thời gian đi công việc trở về, ông trùm thợ săn chợt hỏi cô con gái rượu: - Này con thân! Bậc A-la-hán của chúng ta vẫn đều đặn đến đây khất thực đó chớ! - Thưa cha! Một lần thôi. - Sao kỳ vậy chứ? Ngài có đi vân du ở đâu không? - Các bậc A-la-hán thường nhập định bảy ngày, chắc ngài “đạo-sĩ-mắt-đen” của chúng ta là như thế chăng? Ông trùm thợ săn cảm giác có cái gì đó không ổn, hối hả đi vào rừng. Đến cửa lều, nhìn qua nệm cỏ, thấy một cái xác vô hồn đang ôm bình bát trong lòng, đôi mắt lờ đờ, mê dại... - Ối! Ông thợ săn hớt hãi la to - Ngài bị bệnh gì? Hay là ma nhập? Ối! Quỷ ma gì đây trời đất ơi! Upaka tỉnh lại, nhận ra người thợ săn, mệt mỏi, xiêu ngã đứng dậy, bình bát rơi đổ tung tóe những thức ăn đã mốc meo. Rồi bất ngờ nhất, Upaka ôm chầm lấy người thợ săn khóc nức nở... Người thợ săn hoảng hồn, hoảng vía, gỡ ra không được, hỏi dồn dập: - Sao vậy? Sao kỳ lạ vậy ngài? Bệnh gì đây? Ma quỷ gì đây hở trời? - Ông ơi! Tôi chết mất thôi! Upaka mở miệng, tiếng được tiếng mất, sau đó nói một hơi - Con gái ông đã lấy hồn tôi, đã làm cho tôi bị bệnh. Cái bệnh này còn vạn lần đau khổ hơn cái bệnh thân xác. Ông hãy cứu tôi! Tôi không phải là bậc A-la-hán đâu. Tôi chỉ là kẻ tầm thường. Tôi đi tu là vì yêu thích hình bóng của các ông đạo sĩ. Nay thì tôi yêu thương con gái của ông hơn. Con gái ông đã chiến thắng tôi, là bậc “chiến thắng bất diệt”! Ông ơi! Ông hãy giải thoát cho tôi khỏi mối tương tư. Một là tôi chết khô, hai là ông cho tôi người con gái. Nàng là một thiên thần, là người trên đầu trên cổ tôi, là thượng đế của tôi! Ông ơi! Ông hãy cứu tôi! Nói như vậy là hết kinh điển, hết chữ nghĩa, hết tín ngưỡng, hết thiêng liêng, thần thánh... Ông thợ săn bối rối, ngỡ ngàng trước sự việc như thế. Hồi lâu, nghĩ cũng cám cảnh thương tình, ông ân cần, dịu dàng nói: - Thôi được rồi! Để tôi giải thoát mối đau khổ cho ngài. Thời tuổi trẻ tôi cũng đã từng biết yêu thương nên tôi hiểu. Nhìn bậc tu hành từ dung sắc chói sáng, tuyệt mỹ mà phút chốc trở nên xanh xao, tiều tụy, ông thợ săn thương cảm xiết bao. Nhưng nghĩ cũng có điều thực tế nan giải, ông bèn nói: - Mà này ngài ạ! Khi cưới nhau rồi, chẳng thể “một mái nhà tranh, hai quả tim vàng mà được đâu!” Ôi! Người ta bảo rằng: “Hạnh phúc thường phải ăn ngon, mặc đẹp, bạn mà cho nó ăn rau, uống nước lã thì nó sẽ phủi chân và bỏ đi ngay!” Ngài xuất gia từ nhỏ, ít quen được nắng mưa lam lũ, nghề chân nghề tay trệ vai, đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Con gái tôi vì là con một nên tôi cưng chìu, tôi “nâng như nâng trứng, tôi hứng như hứng hoa”. Tuy không giàu hơn ai nhưng nó ưng gì được nấy. Nó qưen mặc xiêm lụa kāsi, quen vòng hoa pātaliṃ. Tóc tai nó, thân thể nó quen ướp hương haricandana tuyệt hảo; da thịt nó óng ánh ngọc ngà như nụ paduma mới nở. Vậy ngài định làm gì mà có thể nuôi nổi nó? Upaka vừa thòng hai chân xuống cuộc đời, đã vấp phải sự thật như cục đá ngáng đường, im sững. Ông thợ săn gục gặc đầu, nói tiếp: - Đấy! Ngài tính đi! Bụng làm dạ chịu. Tôi cũng thương ngài lắm, nhưng thực tế nó vậy, biết làm sao? Sau một hồi suy nghĩ, Upaka nói: - Ông đã thương thì thương cho trót. Thú thiệt, tôi chẳng biết một nghề gì. Nhưng những khi ông bắn rơi một con chim, bẫy được một con thú, tôi có thể “làm nghề” lượm chúng, mang xuống chợ bán để đổi gạo, đổi thức ăn cho cả... gia đình ta? Cầm lòng không đậu, ông thợ săn tốt bụng gật đầu, dẫn về nhà, cho y phục rồi đem đến trình diện cô con gái rượu: - Này con gái thân! Bắt đầu từ nay, cha nuôi ‘bậc ẩn sĩ trong nhà’, con chịu chứ? Nàng Cāpā đã đoán ra mọi sự, nhưng giả vờ ngớ ngẩn hỏi: - Bậc ẩn sĩ sao lại ẩn trong nhà có con gái? - Không! Đây là bậc ẩn sĩ đã hết ẩn sĩ rồi! - Sao kỳ vậy cha? - Vì bây giờ ổng ẩn tại gia, có nghĩa là muốn nhận cha làm nhạc gia! Nàng Cāpā kêu ré lên, bỏ chạy. Ông thợ săn vui vẻ cất tiếng cười hào sảng. Upaka mặt đỏ bừng, cúi gằm xuống mà lòng thấy hạnh phúc vô cùng... Cũng là duyên, cũng là nợ. Cũng là nợ, cũng là duyên. Cái quả của sự gặp gỡ, thương yêu nhau, tuy hơi hiếm muộn, đến hơn mười năm sau, họ mới có được một mụn con trai, xinh xắn, bụ bẫm. Đến lúc này thì sắc đẹp, tính nết nàng không còn như thời con gái nữa. Upaka bây giờ mới thấy thấm thía rằng, cái hạnh phúc vợ chồng mà chàng ước ao, bên người con gái đẹp như tiên nga ấy, hóa ra cũng tầm thường thôi. Nó khác xa so với trí tưởng tượng của chàng. Hơn thế nữa, thực tế áo cơm nó nghiệt ngã quá. Chàng đã phải nay núi này, mai núi khác. Gió sương, mưa nắng, khuôn mặt chàng đã cứng queo, khô quắp, nước da đã chai sạn màu đồng hun, đâu còn là chàng đạo-sĩ-mắt-đen đẹp trai năm xưa nữa! Làm “nghề lượm thịt săn” không đủ sống, chàng phải phụ thêm đốn củi, đốt than cùng nhiều nghề chân tay khác đến đổ mồ hôi, sôi nước mắt! Vất vả, gian lao quá, đôi khi chàng mơ màng nghĩ đến đời sống nhàn cư, thanh tịnh cũ. Thỉnh thoảng, chàng tưởng nhớ đến hình bóng của người bạn gặp trên đường, bậc “Chiến Thắng Bất Diệt” ấy! Nàng Cāpā rất thương chồng, thấy vì vợ con mà chàng cơ khổ, lam lũ cũng cám cảnh than dài. Nhưng, như chim đã liền cánh, bóng đã dính hình, âu nhân, âu duyên đành phải thế! Một hôm con khóc, nàng vô tình hát rằng: “- Ầu ơ... ru con, con ngủ cho ngoan Cha con ẩn sĩ lượm thịt săn giữa rừng Ầu ơ... ẩn sĩ rớt bát nửa chừng Vì con, vì vợ còng lưng tháng ngày!” Nghe được, Upaka tức giận nói: - Này nàng Cāpā! Nàng nói ta “ẩn sĩ lượm thịt săn, ẩn sĩ rớt bát!” Nàng chế nhạo ta vừa vừa thôi chứ! Cục đá mà có tai, nó cũng chảy nước mắt vì câu nói của nàng đó! Ta không có cúi đầu, còng lưng mãi ở trong cái ngôi nhà này đâu! Ta biết ta là kẻ ăn đậu, ở nhờ, vô gia cư, vô nghề nghiệp. Ta biết thân, biết phận của mình lắm. Nói cho nàng biết, chẳng phải ta là kẻ tứ cố vô thân không nơi nương tựa đâu. Ta có một người bạn. Bạn của ta là “bậc Chiến Thắng Bất Diệt!” Ta sẽ đến ở với bạn của ta! Thấy chồng vì tự ái mà nổi giận, nàng Cāpā đấu dịu, phân trần: - Em không có ý nghĩ như vậy đâu, chàng-mắt-đen của em! Sự thực, em thấy chàng suốt ngày cúi đầu và còng lưng lượm thịt săn một cách vất vả, một cách khốn khổ. Vì yêu chàng mà em hát cho con nó nghe đó thôi! Upaka gằn giọng: - Nàng có cách nói hai nghĩa, nghĩa đằng đầu và nghĩa đằng đuôi! “Cúi đầu và còng lưng!” Chà! Ta biết quá mà! “Ẩn sĩ lượm thịt săn!” Chà! Lời mỉa mai hay nhỉ! Ta nói cho nàng biết, ta đã sa chân xuống đầm lầy khốn cùng và tủi nhục. Ta tỉnh ngộ rồi. Ta sẽ xuất gia trở lại. Ta sẽ đi theo bạn ta, nương tựa nơi bạn ta, bậc “Chiến Thắng Bất Diệt!” - Chớ có tức giận em, chàng-mắt-đen của em! Có thể em đã dại dột, lỡ lời, xin chàng thứ tội! Upaka lồng lên: - Ta không có thứ tội. Chí ta đã quyết. Ta sẽ rời khỏi ngôi làng này, ngôi nhà này, nơi ta đã bị trói buộc, bị quyến rũ bởi sắc đẹp ma quái của nàng. Ích gì cái kỷ niệm đau xót này! Nàng Cāpā năn nỉ: - Ôi! Chàng-mắt-đen của em! Hãy ở lại! Chớ có bỏ đi! Em không dại dột thế nữa đâu. Em sẽ hầu hạ chàng, phục tùng chàng, là nô lệ của chàng! Upaka cười lạt: - Không thể nữa đâu, này nàng Cāpā! Lời rủ rê của nàng có thể làm cho trăm vạn nam nhân phải bủn rủn, mê mệt - nhưng ta thì không thể nữa đâu! Nàng Cāpā xuống nước, mềm mỏng, gợi tình: - Chàng-mắt-đen của em! Em đã đến nỗi nào! Em vẫn còn như cây takkāriṃ nở hoa trên đầu núi. Những vòng hoa pataliṃ vẫn rực rỡ hương sắc hiến tặng chàng. Những chiếc xiêm lụa kāsi vẫn làm dịu mắt chàng. Tóc em, da thịt em vẫn còn ướp hương haricandana thơm lừng lựng! Upaka chợt cất giọng ráo hoảnh, chậm rãi: - Bây giờ nàng lại định dùng mồi sắc đẹp để bủa giăng cánh chim trời đấy phỏng? Dẫu nàng là dòng dõi thợ săn thiện xảo đến bảy đời, cánh chim kia cũng chỉ một lần sa lưới thôi! Đến lượt nàng Cāpā tức giận: - Chàng nói thế mà nghe được sao? Em bủa giăng hay tự chàng bước chân vào lưới? Upaka nín lặng. Nàng Cāpā quắc mắt: - Này! Còn đứa con thì tính sao đây? - Là quyền của nàng! - Thế giả dụ tôi đánh nó, tôi giết nó thì ông cũng không thèm cứu ư? - Nó từ trong núm ruột của nàng mà rứt ra, là máu huyết của nàng - thì nàng muốn làm gì đó thì làm! Nàng Cāpā chợt thở dài. Thế là hết rồi. Con hổ đã muốn trở lại rừng xưa . Chàng đã trở lại với cái tâm xuất ly thanh tịnh. Sắc đẹp ta, nụ cười ta, vòng tay ta và cả con cái nữa, đã bất lực trước chàng. Nàng Cāpā buồn bã, cất giọng dịu dàng: - Chàng-mắt-đen của em! Chàng đành đoạn bỏ đi, không thương xót em và con sao? Trái tim của Upaka thoáng xao xuyến, dẫu cố gắng trấn tĩnh nhưng giọng nói đã mềm đi: - Ta cũng biết thế. Nhưng nàng hãy thông cảm cho ta. Ta phải tự cứu mình! Nàng Cāpā đã hiểu, tự nghĩ: “- Chẳng phải Upaka đã hóa thành gỗ đá. Chàng vẫn còn thương vợ, xót con nhưng vì đã quá đau khổ, không còn chịu đựng nổi hoàn cảnh ràng buộc với những tế toái của đời sống nên nói cứng, nói gắt ngoài miệng thế thôi. Vậy nếu ta thật tình yêu thương chàng thì hãy để chàng ra đi cho tròn ước nguyện!” Nghĩ vậy, nàng Cāpā gạt nước mắt, nói: - Thôi, đã vậy thì chàng hãy ra đi đi, ở nhà, mọi việc em lo liệu được. Nhưng chàng đi đâu? Upaka cảm động, nắm tay Cāpā: - Cảm ơn em! Cảm ơn em đã hiểu ta. Việc ta đi đâu thì em không cần phải lo lắng. Ta sẽ đến với bạn của ta, bậc “Chiến Thắng Bất Diệt!” - Vị ấy ở đâu? - Ta cũng không biết. Nhưng cách đây đã hơn mười năm về trước, bạn của ta đi gióng tiếng trống bất tử ở Vườn Nai tại Bārāṇasī. Còn bây giờ thì không rõ chiếc xe pháp ấy lăn bánh về đâu cũng không rõ nữa! - Vậy làm sao mà tìm? - Nàng yên trí, bạn ta nổi tiếng lắm! Lúc xuống chợ búa trao đổi hàng, ta có gặp một vài đoàn đạo sĩ, vài đoàn du sĩ, họ nô nức đi chiêm bái vị ấy. Đấy là một vị Phật, một đức Chánh Đẳng Giác, là bậc thầy của chư thiên và loài người! Im lặng khá lâu giữa hai người. Nàng Cāpā chợt nói: - Vậy thì khi gặp vị ấy, đấng ấy, hãy nhiễu quanh ba vòng về phía hữu, chàng thay mặt em, đảnh lễ vị ấy giùm em! Upaka mỉm cười sung sướng: - Phải thế! Nói vậy là đúng đắn. Vì lợi ích cho cả hai ta, ta sẽ tỏ lòng cung kính vị ấy đúng y như vậy! Chuyện chấm dứt ngang đó. Nhưng sau này, nàng Cāpā kia, nghe nói, cũng gởi con trai cho ông ngoại, theo chân Upaka, xuất gia với trưởng lão ni Gotamī. Vậy là ‘thiên tình sử’ hy hữu của họ được truyền tụng qua cửa tai của mọi người. Sau này, lại có kẻ đặt ra một câu kệ thơ để ví von trường hợp chàng đạo sĩ mắt đen và cô con gái “tan” rồi lại “hợp” trong giáo pháp bất tử: “- Tích xưa, chuyện cũ rành rành Có khi gương vỡ lại lành hơn xưa!” ------------------- Trích từ: MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT TẬP 3 Minh Đức Triều Tâm Ảnh Nhà xuất bản Văn Học 2014 __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #5 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | ĐẶC TÍNH CỦA BIỂN LỚN Chuyện ông thợ săn dám kêu đức Phật bằng “bạn của ta” làm cho ai cũng mỉm cười, ai cũng ngạc nhiên. Nhưng có vẻ ai cũng hỷ xả, chẳng chấp trách gì vì biết bản chất ông ta thuần hậu, chất phác. Có người đoán vì đức Phật thấy tâm xuất ly của ông quá mạnh, căn cơ lại sâu dày nên cho xuất gia ngay. Mà quả thật vậy, khi được mặc y, mang bát, trông tăng tướng Upaka đẹp và uy nghi như một vị tôn túc trưởng lão. Mấy ngày hôm sau, đức Phật định thuyết một thời pháp có sự tham dự đầy đủ cả tăng ni hai viện, đầy đủ hai hàng cư sĩ, có sự tham dự của đức vua Pāsenadi, hoàng hậu Mallikā và cả triều thần trước khi rời Kỳ Viên. Hai vị đại đệ tử đã cho chư tăngi thông báo rộng rãi chuyện ấy. Hôm ấy, đại giảng đường Kỳ Viên chỗ chứa hơn hai ngàn mà chật ních người. Chư vị trưởng lão tăng ni và các bậc có thắng trí tình nguyện nhường chỗ. Các vị thâm niên, nghe pháp đã nhiều cũng nhường chỗ cho lớp hậu sinh. Hai vị đại đệ tử đã cho người thu xếp chỗ ngồi khá chu đáo và hợp lý. Tăng bên trái giảng đường, ni bên phải. Chính giữa dành cho đức vua, hoàng hậu, các quan cùng các trưởng lão gia chủ, nam nữ cư sĩ lớn tuổi. Ngoài hiên, các hành lang là những người tuổi trẻ thuộc tất cả các giới. Tôn giả Ānanda thông minh, đứng ở cuối sảnh vẫn nghe được lời đức Phật, do trí nhớ tốt, có thể thuyết lại đúng nguyên văn, nhận việc thuyết lại cho rất đông thính giả cư sĩ đứng đầy ngoài vườn rừng! Sau khi nói vài lời khen ngợi Tăng ni có tâm cầu học, tán thán đức vua, hoàng hậu và triều thần đã chịu khó đến nghe pháp, hai hàng cận sự nam nữ cũng như thính chúng đủ mọi giai cấp đã vân hội về đây thật như một biển lớn rồi đức Phật thuyết về biển lớn! Sau, các vị A-xà-lê thuật lại: - Này chư vị! Vừa rồi đây, sau hạ thứ tám(1), Như Lai đi du hóa nhiếp độ hai tộc rồng và dạ-xoa ở miền Nam đảo. Đặc biệt hôm ấy là do long vương Mahādaranāga thỉnh mời. Như Lai đã đến Kalyānī, rồi đến đỉnh núi Sumanakūṭa, để lại ở đấy mấy dấu chân(2). Lúc trở lại đất liền, khi Như Lai đang ngắm biển thì A-tu-la vương(3) quản nhậm biển nam, có tên là Pahārāda, từ đâu đó với dung sắc đỏ sáng, trang phục y áo, mũ miện, binh khí chói ngời, hóa hiện ngay bên cạnh Như Lai. Nó cất giọng tự nhiên, nói: - Tôi biết sa-môn Gotama đấy! - Ta cũng biết ngươi đấy, này Pahārāda! Nó cười: - Sa-môn Gotama đứng làm gì ở đây, tại miền biển xa xôi, lạnh lẽo nầy! - Ừ, Như Lai đang ngắm biển! - Biển có gì thích thú mà ngắm, thưa tôn giả? - Vậy ngươi, Như Lai biết là ngươi cũng thích thú biển lắm mà, tại sao? - Ồ, tôi ấy à! Không những tôi mà các A-tu-la đại thần, binh tướng của tôi cũng rất thích thú biển lớn. Chúng dựng lâu đài trên biển, ca vũ nhạc kịch trên biển, tiệc tùng, dạ yến trên biển, vợ chồng, con cái chúng cũng say sưa trên biển. Bày mưu, tập trận đánh nhau cũng trên biển! Thú vị lắm! - Ngươi quản nhiệm biển, sống lâu trên biển; vậy ngươi có nhận biết biển lớn có những tính chất đặc thù như thế nào chăng? - Biết chứ! Biết rất rõ ràng và sành sõi là khác! Tôi còn có thẩm quyền đệ nhất để nói về điều ấy, nói về biển hơn bất cứ ai trên đời này, kể cả tôn giả, vốn được thế gian tôn xưng là bậc thầy của trời và người! Như Lai mỉm cười: - Khá lắm! Vậy thì ngươi hãy nói về biển cho Như Lai nghe với nào! - Thưa vâng! A-tu-la vương đáp rồi bắt đầu nói - Biển lớn có tám đặc tính mà không ở nơi nào có được. Thứ nhất, biển xuôi dần dần, xuôi từ từ, từ cạn đến sâu, không có thình lình, không có đột ngột tạo nên những hang, những vực... Thứ hai, biển muôn đời vẫn đứng một chỗ, không xê dịch như sông, như suối; nó lại còn thủ phận, nhẫn nại không phá vượt qua bờ này hay qua bờ kia... Thứ ba, biển không chứa chấp, không dung chứa những xác chết người và thú; nó quăng vất ngay lên bờ hết, không bao giờ lưu giữ những vật bất tịnh ấy trong lòng mình! Thứ tư, phàm có con sông lớn nào như sông Gaṅgā, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, sông Mahī... khi chảy về biển lớn, chúng liền bỏ quên tên tuổi của mình để hoà nhập với cái đại đồng. Thứ năm, dầu tất cả sông cái, sông con chảy vào biển một trăm năm, một ngàn năm; dầu mưa trên trời cũng đổ xuống một trăm năm, một ngàn năm... lòng biển cũng dung chứa hết mà không bao giờ tràn ra ngoài; nó còn chẳng vơi, chẳng đầy là khác nữa! Thứ sáu, biển chỉ thuần nhất một vị mặn, dẫu cả triệu triệu năm cũng không thay đổi tính chất của mình. Thứ bảy, lòng biển lớn chứa giữ tất cả châu báu của trần gian như: Trân châu (muttā), maṇi châu (maṇi), lưu ly (veluriyo), xa-cừ (sangho), ngọc bích (silā), san hô (pāvālaṃ), bạc, vàng, ngọc đỏ (lohitanko), mã não (masāragallam). Thứ tám, biển là trú xứ của vô lượng chúng sanh - nhất là những chúng sanh lớn. Ngoài asura, nāgā, gandhabbā... còn có những chúng hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm do-tuần đến năm trăm do-tuần... Nói thế xong, Asura vương kết luận: - Đấy là tám tính chất thù thắng, vi diệu nên chúng tôi rất thích thú cư trú ở đây! Còn sa-môn Gotama thì sao? Khi ngài thiết lập giáo pháp, rao giảng giáo pháp thì những tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di... có thích thú sống trong giáo pháp ấy không, như chúng tôi vô cùng hoan hỷ và thích thú biển lớn? - Có chứ, này Pahārāda! Đức Phật đáp - Họ cũng hoan hỷ và thích thú trong pháp và luật của Như Lai, tương tợ như ngươi hoan hỷ và thích thú trong biển lớn vậy đó! - Thế pháp và luật của sa-môn Gotama có những đặc tính thù thắng gì, tính chất vi diệu gì mà chúng đệ tử có thể hoan hỷ và thích thú để sống trong đó? - Như biển lớn có tám tính chất đặc thù mà ngươi vừa kể cho Như Lai nghe thì pháp và luật của Như Lai cũng có tám tính chất đặc thù, vi diệu, thù thắng chẳng nơi nào có được, này Pahārāda! Asura vương rất thú vị: - Tôi xin được rửa tai để lắng nghe tám điều kỳ diệu chưa từng có ấy? Rồi đức Phật mở lời: - Này Pahārāda Asura vương! Hãy nghe! Như Lai sẽ giảng nói đây! Thứ nhất, pháp và luật của Như Lai cũng xuôi từ từ, xuôi dần dần, từ cạn vào sâu, không có đột ngột tạo hang, tạo vực. Tại sao vậy, vì pháp và luật mà Như Lai giảng nói bao giờ cũng tuần tự thứ lớp từ dễ đến khó, từ thấp lên cao, từ cạn vào sâu. Học pháp là phải thuận thứ như vậy, con đường hành trì cũng thế mà sự chứng ngộ cũng tương tự thế, không bao giờ có chuyện thình lình mà thể nhập, không có sự đột nhiên mà chứng ngộ! Asura vương reo lên: - Hay quá là hay! Vậy cho nghe điều thứ hai, là biển chỉ đứng một chỗ, không vượt qua bờ? - Điều thứ hai, giáo pháp của Như Lai là từ chứng nghiệm, giác ngộ sự thực, từ chân lý như thực mà nói ra nên không thay đổi, biến hoại theo thời gian. Đệ tử của Như Lai sống trong lòng giáo pháp ấy, thích thú trong giáo pháp ấy, ở yên một chỗ, không bao giờ dám vượt qua một giới hạn nào, bờ này hay bờ kia của tri kiến. Có vị thà chịu hy sinh thân mạng để giữ gìn pháp và luật ấy huống hồ là vượt qua hay phá rào! - Kỳ diệu vậy thay! - Thứ ba, biển lớn không chứa chấp vật bất tịnh thì giáo pháp của Như Lai cũng tương tợ vậy. Người nào ác giới, sống theo ác pháp, có sở hành bất tịnh đáng ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là sa-môn mà tự nhận là sa-môn, không sống phạm hạnh mà lại giả danh phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục bất chánh thì Tăng-già cũng sẽ quăng vứt người ấy, hội họp rồi trục xuất người ấy, không cho sống chung cùng với tăng đoàn nữa! Thứ tư, những con sông về với biển đều phải bỏ tuổi, bỏ tên. Cũng vậy, trong giáo hội của Như Lai có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, bà-la-môn, phệ-xá, thủ-đà-la. Khi họ xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, họ cũng từ bỏ giai cấp, bỏ họ, bỏ tên, bỏ danh vọng, bỏ địa vị, bỏ sự nghiệp, bỏ quê hương, chủng tộc để chỉ còn là những tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, là những sa-môn Thích tử (Sākyaputta) mà thôi! Thứ năm, trăm sông đổ về biển, trăm lượng nước mưa xuống từ trời cũng không làm cho biển đầy hay vơi. Cũng vậy, này Pahārāda! Có nhiều tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nhập Niết-bàn không có dư y, mà sau này, nếu có vô lượng, vô lượng tỳ-khưu, vô lượng tỳ-khưu-ni nhập Niết-bàn không có dư y như thế, thì Niết-bàn cũng không tràn, cũng không đầy, cũng không vơi như biển vậy. Thứ sáu, này Pahārāda! Nếu biển chỉ có một vị mặn thuần nhất thì giáo pháp của Như Lai cũng thế: Nó cũng chỉ có một vị thuần nhất, thuần chất, ấy là vị giải thoát. Thứ bảy, này Asura vương! Nếu biển tích lũy mọi châu báu của nhân gian thì giáo pháp của Như Lai cũng là nơi chứa giữ những châu báu siêu thế. Đấy là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, thánh đạo tám ngành. Thứ tám, biển là trú xứ của rất nhiều chúng sanh lớn thì giáo pháp của Như Lai cũng là trú xứ của những bậc thánh nhân, còn hơn là chúng sanh lớn, còn hơn là các vị đại vương, các vị thiên vương; ấy là các bậc Dự lưu đạo, Dự lưu quả, Nhất lai đạo, Nhất lai quả, Bất lai đạo, Bất lai quả, A-la-hán đạo, A-la-hán quả. Đức Phật nói xong tám tính chất đặc thù của giáo pháp, Asura vương Pahārāda kính cẩn thốt lên: - Quả thật là vi diệu, thưa sa-môn Gotama! Trước đây tôi chỉ nghe tin đồn đức Thế Tôn là như vậy, là như vậy với những danh xưng, tôn xưng thắng vượt tam giới. Nay thì tôi thấy rõ, sa-môn Gotama là bậc lợi tuệ, thông tuệ, quán tuệ, ưu việt tuệ, mà thế gian, cả triệu lần sinh diệt của quả địa cầu cũng không có người thứ hai! Tôi vô cùng ngưỡng mộ, và xin được làm kẻ hộ trì cho giáo pháp của đức Tôn Sư! Kể xong câu chuyện, đức Phật nói: - Này chư vị! Biển lớn với tám đặc tính ưu việt ấy cũng vẫn là chưa đủ so với giáo pháp của Như Lai, chưa vi diệu bằng giáo pháp của Như Lai. Tại sao vậy? Ví như tại đại giảng đường Kỳ Viên ngày hôm nay, chẳng khác gì một biển lớn, gồm tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận sự nam, cận sự nữ; đầy đủ cả bốn giai cấp, đầy đủ các vị thánh sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả; đầy đủ những chúng sanh lớn như đức vua Pāsenadi, hoàng hậu Mallikā... các quan đại thần và các đại gia chủ đều cùng nhau nghe pháp, tu học nhưng không lấn bức nhau, ăn hiếp nhau; ai có chức phần, bổn phận, nhiệm vụ nấy. Còn biển lớn kia thì chúng sanh lớn ăn thịt chúng sanh nhỏ, cá lớn nuốt cá bé để nuôi mạng mình. Như thế, giáo pháp của Như Lai vi diệu hơn biển lớn kia nhiều. Còn nữa, biển lớn kia, những chúng hữu tình thấp thỏi, nhỏ bé thì muôn đời là thân phận thấp thỏi, nhỏ bé, không bao giờ trở thành chúng sanh lớn được. Giáo pháp Như Lai hoàn toàn khác thế! Tại sao vậy? Vì một chúng sanh nhỏ sanh trong giai cấp thấp thỏi, hạ liệt, ví như làm nghề đổ phân, hốt rác, nạo vét ống cống có thể trở thành một thánh nhân, nghĩa là trở thành một chúng sanh lớn! Ví dụ như tỳ-khưu Sunīta xuất thân là một người gánh phân, mấy năm trước, xuất gia ở đây, bây giờ đã trở thành một chúng sanh lớn, một vị thánh. Ví như con một nữ nô lệ trong đại gia đình trưởng giả Cấp Cô Độc, là tỳ-khưu Dasaka, bây giờ cũng đã là một chúng sanh lớn, một vị thánh. Ví như tỳ-khưu-ni Ambapālī trước đây là một kỹ nữ, bây giờ cũng đã là một chúng sanh lớn, một tỳ-khưu-ni, một vị thánh A-la-hán! Như thế, giáo pháp của Như Lai vi diệu hơn biển lớn kia quá nhiều! Còn nữa, những chúng sanh trong biển lớn, chúng sanh ra trong biển lớn, lớn lên trong biển lớn, ăn giết nhau trong biển lớn, già đời trong biển lớn rồi chết đi trong biển lớn. Còn biển lớn của Như Lai hoàn toàn khác thế. Biển lớn Niết-bàn của Như Lai không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu bi khổ ưu não... Còn nữa, biển lớn kia chỉ thuần nhất một vị mặn, một vị vô tri, bên trong chẳng chứa giữ một thuộc tính ưu việt nào. Giáo pháp của Như Lai tuy cũng thuần một vị giải thoát; nhưng có vị giải thoát lại có luôn những năng lực thắng trí, tứ vô ngại giải, tứ vô lượng tâm cùng những khả năng siêu việt khác. Còn nữa, trong biển lớn, chúng sanh nhỏ là chúng sanh nhỏ, không có chuyện vừa nhỏ vừa lớn. Giáo pháp của chư Phật khác thế. Ví như có người sanh thuộc giai cấp thủ-đà-la, làm nghề chân tay, nặn đồ gốm, là chúng sanh nhỏ, nhưng người ấy thật vô cùng lớn: Giới lớn, tín lớn, tâm lớn, tuệ lớn... ngay chuyện bố thí cúng dường, của cải, tài sản có bao nhiêu, thế mà được đức Phật Kassapa tán thán là bậc đàn tín hộ trì tối thượng, còn hơn cả đức vua Kikī kinh thành Bāraṇasī! Thuyết đến ngang đây, đức Phật yên lặng. Ai cũng náo nức muốn nghe câu chuyện lạ kỳ. Nôn nóng nhất là số hội chúng đã từng nghe chuyện “Sa-môn trọc đầu” bên bờ sông Aciravatī. Và người tò mò muốn nghe tiếp theo, chính là đức vua Pāsenadi - vì ông ta tự nghĩ: “- Người thợ gốm ấy có khả năng tài sản như thế nào mà lại được tán thán là bố thí tối thượng, hơn cả đức vua Kikī cai trị một quốc độ Bārāṇasī hùng cường và giàu mạnh?” ------------------------------ (1) Theo Đức Phật và Phật pháp của ngài Nārada thì hạ thứ 8, đức Phật ở tại rừng Bhesakalā gần tảng đá Sumsumāra, thị trấn Bhagga. (2) Theo Pháp Hiển, hai dấu chân cách nhau 15 do tuần. Dấu chân trên đỉnh có xây một bảo tháp cao 400 bộ, được trang hoàng bằng châu báu. (3) Có rất nhiều A-tu-la vương. Đây là A-tu-la vương biển Nam - Còn các A-tu-la vương biển Đông, Tây nữa. Trên đất liền cũng có rất nhiều. Riêng A-tu-la vương cõi trời có tên là Vepacitta - Asurina. -------------------------------------------- Trích từ: MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT TẬP 3 Minh Đức Triều Tâm Ảnh Nhà xuất bản Văn Học 2014 __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #6 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | NGƯỜI ĐÀN TÍN HỘ TRÌ TỐI THƯỢNG Đức Phật tiết lộ, kể chuyện: - Người ấy chính là tiền thân đại phạm thiên Sāhampati, bạn của Như Lai từ thời đức Thế Tôn Kassapa, một người bạn tối thượng, như một viên ngọc tối thượng! Hôm ấy, đức Thế Tôn Kassapa từ thị trấn Vebhaliṅga tại miền bắc, du hành cùng với đại chúng tỳ-khưu đến xứ Bārāṇasī, ngụ tại Isipatana. Vua xứ Kāsi, tên là Kikī, nghe vậy, liền cho thắng các cỗ xe mỹ diệu, thù thắng; với nghi vệ của bậc đại vương cao sang đến yết kiến đức Phật. Nghe xong thời pháp, đức vua xứ Kāsi hoan hỷ, phấn khích, mời thỉnh đức Thế Tôn cùng đại chúng, ngày mai đặt bát cúng dường tại hoàng cung. Thế rồi, sau buổi cúng dường lớn với thượng phẩm, với mỹ vị, đức vua còn mời thỉnh đức Phật và đại chúng an cư mùa mưa tại Bārāṇasī để ông có cơ hội hộ trì Tam Bảo, tích lũy thêm công đức! Đức Phật đáp: - Như Lai và chư tăngi đã nhận lời mời nơi khác rồi, tâu đại vương! Lần thứ hai, lần thứ ba, đức Phật cũng lặp lại là có người mời thỉnh rồi. Đức vua Kikī tâm tư sầu muộn, tự nghĩ:“Đức Thế Tôn không nhận lời mời làm cho ta mất an lạc! Chẳng lẽ, trên đời này lại có người đàn tín hộ trì tối thượng hơn ta? Hơn một bậc đại vương giàu sang với quyền uy và danh tiếng lẫy lừng?” Bèn thưa: - Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ đức Thế Tôn và đại chúng tỳ-khưu đã có một đại thí chủ khác, với công đức thù thắng hơn đệ tử, là Kikī, vua xứ Kāsi? - Không phải vậy! Nhưng xin đừng có sầu não quá thế, đại vương! Đức vua xứ Kāsi thở dài, cất giọng buồn bã, có vẻ như tủi thân, tủi phận: - Trước đây, đệ tử tưởng rằng, đệ tử là phú quý đệ nhất, tài sản cung khố đệ nhất, trân châu, ngọc báu cũng đệ nhất, hóa ra không phải vậy. Đức Thế Tôn và đại chúng tỳ-khưu đã có một đại thí chủ mà cái gì cũng hơn đệ tử cả! - Không phải vậy, đại vương hiểu lầm rồi! Người ấy đúng là đàn tín hộ trì tối thượng, nhưng y chẳng phải là bậc giàu sang vương giả, phú quý đệ nhất, đệ nhị gì cả! Đức vua Kikī mở tròn mắt: - Tại sao? - Đại vương có muốn nghe không, Như Lai sẽ kể về người đàn tín hộ trì tối thượng ấy? - Thưa, rất muốn nghe! Thế là đức Phật Kassapa kể: - Có một thị trấn tên là Vebhaliṅga, tại đấy có người thợ gốm tên là Ghaṭīkāra, anh ta rất nghèo, sanh thuộc giai cấp thấp kém, sống trong căn nhà cỏ cùng với cha mẹ mù loà... Đức vua chợt thốt lên: - Có thể như thế được ư? Người ấy mà là đàn tín hộ trì tối thượng sao? - Phải! Đức Phật gật đầu - Đấy là vị thí chủ mà Như Lai đã nhận lời an cư trong mùa mưa này! Có một ý nghĩ chợt khởi sanh lên trong tâm của nhà vua: “Chắc có nguyên nhân thù thắng thế nào đây - để đến nỗi bậc đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác phải lặp đi lặp lại mãi như thế chứ?” Bèn nói: - Đệ tử đang cung kính lắng nghe đây! - Thợ gốm Ghaṭīkāra dẫu nghèo nàn, dẫu sanh thuộc hạ cấp nhưng đã quy y Tam Bảo, đã từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của chưa được cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ rượu men, rượu nấu... Này đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, một người như vậy có xứng đáng được gọi là vị đàn tín hộ trì tối thượng chăng? Đức vua Kikī lắc đầu: - Chưa! Y có thể là một người cư sĩ tốt, nhưng chưa thể gọi là hộ trì tối thượng được! Đức Thế Tôn Kassapa vẫn cất giọng đều đều: - Thời gian sau, thợ gốm Ghaṭīkāra thành tựu lòng tin bất động với Tam Bảo, thành tựu giới luật của bậc thánh; không có một nghi ngờ nào đối với khổ, với khổ tập, với khổ diệt, với con đường đưa đến khổ diệt. Này đại vương! Thợ gốm Ghaṭīkāra chỉ ăn mỗi ngày một bữa, hành thiện hạnh, sống theo thiện pháp. Ông ta từ bỏ ngọc và vàng, không cầm, không nắm, không giữ, không nhận bạc và vàng. Với trí tuệ, với lòng dục được đoạn trừ, với thánh hạnh thanh tịnh mạng, vị ấy tự nuôi sống mình bằng nghề thợ gốm. Dẫu làm nghề gốm, rất cần đất sét tốt, thế nhưng Ghaṭīkāra không tự tay cuốc và đào; ông ta lấy đất từ những bờ đê sạt lở, lấy đất những nơi do chuột và cáo đào hang vung vãi ra - rồi nặn lên những chum, vại, chén, bát cùng những vật gia dụng khác. Này đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, một nam cư sĩ thánh hạnh như vậy có xứng đáng để được gọi là người đàn tín hộ trì tối thượng chăng? Đức vua Kikī giờ mới gật đầu, nhưng tán thán theo cách của mình: - Ôi! Quả là tốt! Quả là hạnh khó làm! - Còn nữa, này đại vương! Thợ gốm Ghaṭīkāra với những sản phẩm làm ra, được nắn, nung thiện xảo, có hoa tay, có giá trị mỹ thuật nhưng ông ta không đổi bằng vàng và bạc, không đổi bằng tiền giấy, tiền kẽm, tiền đồng, tiền xu! Khi có người đến mua, vị ấy nói: “Này thiện hữu, này bà con kính mến! Hãy lấy đi bất kỳ vật dụng nào mà mình muốn, mình thích và sử dụng được rồi bỏ vào đây một ít thôi, cái gì mà quý vị sẵn có: Ví như vài nhúm hạt gạo có vỏ và không vỏ, một vài nhúm các hạt đậu, ít củ khoai, củ sắn, củ nâu, củ chuối... hoặc muối, hoặc vừng, hoặc thứ gì quý vị ăn được thì tôi ăn được. Chớ có mua. Đừng có mua và bán!” Này đại vương! bằng cách ấy, thợ gốm Ghaṭīkāra sinh sống không có ác mạng, không có tà mạng, không những nuôi được mình mà còn phụng dưỡng cha mẹ mù lòa rất là chu đáo, rất là hiếu hạnh. Người như thế có xứng đáng là bậc hộ trì tối thượng chăng? - Ôi! Quả là chí thiện! Bạch đức Tôn Sư! - Còn nữa, thợ gốm Ghaṭīkāra đã dập tắt năm hạ phần kiết sử(1), tâm và trí đã là vị thánh Bất Lai, trên đời này! Thế có xứng đáng với danh gọi là bậc đàn tín hộ trì tối thượng chăng, hả đại vương? Đức vua Kikī chợt phủ phục xuống đất: - Đệ tử, Kikī, vua nước Kāsi xin thành kính đê đầu đảnh lễ bậc đàn tín hộ trì tối thượng ấy! Đức Phật Kassapa kể tiếp: - Này đại vương! Một thời, ở thị trấn Vebhaliṅga, với đại y vắt vai, với bình bát cầm tay, Như Lai đến căn nhà cỏ của thợ gốm Ghaṭīkāra rồi hỏi vọng vào: “- Người thợ gốm có nhà không?” Cha mẹ mù loà của y hỏi lại: “- Ai hỏi con trai của tôi thế?” “- Thế Tôn đây! Ông Phật Kassapa hỏi đấy!” “- Bạch đức Thế Tôn! Con trai con đã đi vắng, nhưng y có dặn lại rằng: Nếu Thế Tôn Kassapa, bậc đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có đến thì xin ngài hãy tự ý, tùy nghi lấy cháo ở trong nồi, lấy thức ăn ở trong chảo mà dùng!” Rồi này, đại vương! Như Lai đã tự mình đi vào bếp, lấy cháo và thức ăn vừa đủ dùng, ngồi xuống đất, thọ thực ngay tại chỗ rồi mới trở về liêu thất. Thợ gốm về nhà, thấy khuyết phần cháo và thức ăn, nói với cha mẹ mù loà: “- Sao cha mẹ ăn ít quá vậy? Con nấu ăn không vừa miệng cha mẹ hay sao? “- Không phải vậy đâu con! Thật là hạnh phúc làm sao khi đức Thế Tôn đã tự ý vào bếp, lấy thức ăn rồi ngồi xuống đất, thọ thực ngay tại chỗ!” Thợ gốm Ghaṭīkāra sung sướng quá, hỷ lạc phát sanh trong tâm ông suốt nửa tháng; và cha mẹ mù loà của ông thì hỷ lạc phát sanh trọn bảy ngày... Đức vua Kikī lại chấp tay giữa hư không, cảm thán thốt lên: - Quả thật là vi diệu! Vi diệu thay là hành trạng của người thợ gốm này! - Lại nữa, này đại vương! Như Lai an cư mùa mưa năm đó tại thị trấn Vebhaliṇga, bấy giờ cái cốc đột ngột bị mưa dột. Như Lai nói với các vị tỳ-khưu gần cạnh: “- Hãy đến nhà thợ gốm Ghaṭīkāra, trông xem đâu đó có cỏ, có lá, có tranh không!” Một hồi lâu, chúng đi về và thưa rằng “có”! “- Vậy thì đi lấy về đây, lợp lại cái cốc của Như Lai đã bị mưa dột!” Thế rồi, các vị tỳ-khưu đến nhà người thợ gốm, chẳng thưa chẳng hỏi, chẳng nói lý do gì cả - đã tự ý leo lên mái nhà, và gỡ tranh của người ta! Cha mẹ mù loà của người thợ gốm, nghe sột soạt trên mái, hỏi vọng lên: “- Ai đó? Ai làm gì trên mái nhà của tôi?” “- Chúng tôi đến gỡ tranh!” “- Quý vị là ai mà tùy tiện quá vậy? Nhà chúng tôi đang ở mà!” “- Thưa đại huynh, đại tỷ! Chúng tôi là tỳ-khưu! Cái cốc của đức Thế Tôn bị mưa dột!” Cha mẹ người thợ gốm nghe vậy, mau mắn nói: “- Vậy thì hãy lấy đi, chư tôn giả! Hãy lấy hết đi, chư tôn giả! Chúng tôi thì không sao, nhưng đức Thế Tôn thì không thể ở chỗ ướt dột được!” Người thợ gốm về nhà, nhìn lên, thấy tranh mất nhiều mảng, nhiều tấm, hỏi lý do, cha mẹ ông trình bày lại tự sự. Thế là hoan hỷ quá, cũng như lần trước, hỷ lạc trong ông phát sanh đến nửa tháng. Còn cha mẹ ông thì hỷ lạc phát sanh trọn cả bảy ngày! Đức Phật Kassapa kết luận: - Đấy là câu chuyện về người đàn tín hộ trì tối thượng của Như Lai. Ghaṭīkāra rất nghèo lại sanh thuộc hạ cấp. Như Lai đã nhận lời an cư mùa mưa do ông ta hộ độ. Thật tình mà nói, ông ta đâu có thượng phẩm, mỹ vị mà dâng cúng như đại vương; chỉ có sắn khoai rau củ gì đó thôi - làm sao dám sánh với đại vương được! Đức vua Kikī hân hoan phát sanh, hỷ lạc phát sanh, bừng bừng cả từng chân tơ kẽ tóc - thốt lên: - Không! Trăm phần, ngàn phần công đức của đệ tử dẫu cho thượng vị loại cứng, loại mềm, cúng dường một hai năm, cho đến cả trăm năm cũng không thể bằng một phần của người thợ gốm Ghaṭīkāra, người đàn tín hộ trì tối thượng ấy! Thế rồi, ngay ngày hôm sau, đức vua cho quân binh vận chuyển vật liệu làm nhà, năm trăm xe gạo có vỏ và không vỏ, năm trăm xe thực phẩm khô và đồ gia dụng các loại, tức tốc lên miền bắc, đến tại thị trấn Vebhaliṅga tìm đến nhà người thợ gốm. Họ chẳng nói lý do, tự động làm lại một tòa nhà chắc bền với những loại gỗ tốt, sàn tường đều được lát gỗ quý và gỗ thơm. Họ cũng tự động làm các công trình phụ, các kho lẫm... Sau đó một vị văn quan đại thần đã được sự chỉ dạy của đức vua, khôn khéo nói rằng: - Này tôn giả! Này bậc hiền trí! Hãy sử dụng căn nhà mộc mạc nầy! Hãy thọ nạp cả một ngàn xe lương thực và thực phẩm nầy. Hãy làm tất cả các thiện sự! Hãy làm các công đức tùy thích. Hãy hộ độ, cúng dường đức Thế Tôn Kassapa và đại chúng tỳ-khưu! Tất cả đây chỉ là chút tấm lòng thành của đức vua Kikī, nước Kāsi tại Bārāṇasī; nó thật không đáng kể gì, so với công đức vô lượng của tôn giả, những công đức chí thiện, trắng bạch như vỏ ốc! Thợ gốm Ghaṭīkāra là bậc có thắng trí, biết tất cả mọi việc xẩy ra nên cũng không khách sáo gì, hoan hỷ thọ nhận; và nói một lời cũng mang rất nhiều ý nghĩa: - Cầu nguyện cho đức vua chí tôn thấy rõ pháp, thâm đạt pháp - rồi chúng ta sẽ cùng nhau tao ngộ nơi cõi Vô Sanh Bất Tử! Đức Phật kết luận: - Thợ gốm Ghaṭīkāra cuối đời, mệnh chung nhưng ông không an nghỉ ở tịnh cư thiên, mà nguyện sanh ở phạm thiên giới, làm người hộ pháp cho giáo pháp đức Thế Tôn Sākya Gotama, một người bạn cũ! Như vậy, giáo pháp của Như Lai, nói chung là của chư Chánh Đẳng Giác đều giống nhau, trong đó, có chúng sanh nhỏ, căn trí sâu dày, tu tập công hạnh thành bậc thánh nhân, đến nỗi, chúng sanh lớn như đức vua Kikī kia, dẫu phú quý, cao sang hiển hách cũng phải tán thán, tôn xưng, đảnh lễ, cúng dường người thợ gốm giai cấp thấp thỏi. Ôi! Tính chất vi diệu ấy thì biển thế gian làm thế nào so bì được! Thời pháp hôm ấy của đức Phật có ba điều lợi lạc vi diệu sau đây: Thứ nhất, đức vua, hoàng hậu, các quan đại thần, đại gia chủ, đại danh gia... đã chuyển hướng cách nhìn, không dám tự phụ mình là người có quyền uy hoặc giàu sang nữa; không dám coi khinh các giai cấp thấp kém và những người có ít của cải, tài sản. Thứ hai, hội chúng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni được mở sáng mắt, biết kính trọng phải lẽ những cư sĩ tuy nghèo nhưng có đời sống thánh hạnh, thanh tịnh mạng, hộ trì Tam Bảo bằng tín, giới, tâm và tuệ của mình. Họ còn học được bài học, sẵn sàng từ chối đức vua dù thượng phẩm, mỹ vị mà nhận lời người cư sĩ nghèo với sắn, khoai, rau củ! Thứ ba, các giai cấp thấp kém không còn mặc cảm tự ti về dòng dõi hay tài sản mà cảm thấy mình bình đẳng trong giáo pháp coi trọng các giá trị tinh thần hơn cái vinh hoa và hào nhoáng của thế giới vật chất. Một làn gió mát mẻ, trong lành của giáo pháp đang rì rào thổi qua nhân sinh và xã hội, nhất là kinh thành Sāvatthi! --------------------- (1) Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình. ----------------------------------------- Trích từ: MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT TẬP 3 Minh Đức Triều Tâm Ảnh Nhà xuất bản Văn Học 2014 __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #7 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | CHUYỆN CÁ SẤU CHÚA Duyên khởi.Một thời tại quốc độ Kosala (Kiềutấtla) bị hạn hán, trời không mưa, ao hồ, bể nước đều khô cạn, ngay cả hồ nước rộng trước cổng Đại tự Kỳviên (Jetavanavihāra) cũng khô cạn. Các loài thủy tộc như cá, rùa … phải nằm trong bùn mắc cạn, những con quạ, diều hâu, chim bói cá, cò … dùng mỏ nhọn mổ những con cá, lôi chúng ra khỏi bùn để ăn thịt. Nhìn thấy nhìn chúng sinh bị tai hoạ như thế, Đức Thế Tôn khởi tâm bi mẫn, suy nghĩ: “Hôm nay Như Lai hãy làm mưa rơi xuống”. Vào buổi sáng, Đức Thế Tôn cùng các Tỳkhưu đi vào thành Sāvatthi (Xávệ) khất thực. Sau buổi ăn, Ngài trở về Đại tự Kỳviên, đi đến hồ sen trước cổng chùa, đứng trên thềm hồ, Đức Thế Tôn bảo: – Này Ānanda, hãy mang đồ tắmđến cho Như Lai, Như Lai sẽ tắm. – Bạch Đức Thế Tôn, hồ nước của Đại tự Kỳviên đang khô cạn. – Này Ānānda, Phật lực vô biên, hãy mang đồ tắm đến cho Như Lai. – Vâng, bạch Thế Tôn. Đức Thế Tôn tuyên bố: “Như Lai sẽ tắm nước trong hồ sen này”. Lập tức ngai vàng của vua trời Sakka (ĐếThích) nóng ran lên, đưa thiên nhãn quán xét, hiểu được sự việc, vua trời Sakka bảo thần mưa Pajjuna rằng: – Này Pajjuna, Đức Thế Tôn đang cần nước để tắm, ngươi hãy tạo cơn mưa lớn đến kinh thành Sāvatthi đi. – Vâng, thưa thiên chủ. Từ phương Đông một đám mây đen lớn bằng sân đập lúa kéo đến, phút chốc lớn dần lên rồi một trận mưa như thác đổ xuống ngập cả hồ nước lớn ở Đại tự Kỳviên, khi nước tràn đến bờ hồ thì trận mưa chấm dứt. Đức Thế Tôn xuống hồ tắm rồi trở về Hương thất nghỉ. Vào buổi chiều, các Tỳkhưu ngồi bàn luận việc kỳ diệu này trong Giảng pháp đường của Đại tự. Đức Thế Tôn ngự đến Gỉảng Pháp đường, dạy các Tỳkhưu rằng: – Chẳng phải chỉ hôm nay Như Lai làm cơn mưa, giúp đại chúng thoát khỏi khổ nhọc. Trong quá khứ tiền thân của Như Lai đã từng làm mưa như thế rồi. Theo lời thỉnh cầu của các Tỳkhưu, Đức Thế Tôn thuyết lên Bổn sự Vaccha (con cá) này. Bổn sự. Thuở xưa, cũng tại xứ Kosala, nơi cổng Đại tự Kỳviên này, có một hồ rộng lớn, chằng chịt những dây leo. Bấy giờ Bồtát sinh làm con cá chúa sống trong hồ với đàn cá vây quanh. Thế rồi trời hạn hán, các ao hồ cạn nước, những loài thủy tộc phải sống trong bùn khô dần, những con quạ, diều hâu … dùng mỏ nhọn mổ những con cá lôi ra khỏi bùn để ăn thịt. Thấy thân tộc bị tai hại, cá chúa suy nghĩ: “Ngoài ta ra không ai có thể cứu thân tộc thoát khỏi nguy hại này. Ta hãy phát nguyện lời chân ngôn để cứu thân tộc cùng các chúng sinh khác”. Rẻ bùn đen đi lên, đó là một con cá chúa lớn như chiếc rương đen bằng lỏi gỗ mun, cá chúa mở to đôi mắt như hai viên ngọc sáng nhìn lên không trung, nói rằng: – Này bạn Pajjuna, tuy ta phải sinh vào loài cá, phải dùng thịt đồng loại là những con cá con để sống. Nhưng từ trước đến nay ta chưa từng sát hại một con cá nhỏ hay bất kỳ sinh vật nào. Này bạn Pajjuna, ta xót thương thân tộc ta cùng các chúng sinh đang bị khổ nạn do không có nước. Vì sao bạn không mưa? Rồi như ra lịnh cho người hầu của mình, cá chúa nói lên kệ ngôn: 75- Abhitthanaya pajjunna; nidhiṃ kākassa nāsaya. Kākaṃ sokāya randhehi; mañca sokā pamocayā’’ti. “Hỡi Pajjuna hãy nổi tiếng sấm, hãy làm tiêu kho lương của quạ ([15]). Hãy làm cho quạ buồn rầu, hãy giải thoát cá khỏi phiền muộn”([16]). Và thần mưa Pajjuna làm mưa khắp quốc độ Kosala. Nhận diện tiền thân. Pajjuna nay là Ngài Ānanda, cá chúa nay là Đức Như Lai([17]). *Thiên tử Pajjuna. Là một vị chư thiên có phận sự làm mưa của vua Trời Sakka (ĐếThích). Thiên tử Pajjua thường được nhân loại khẩn cầu khi hữu sự([18]). Thiên tử Pajjuna có tham dự buổi thuyết kinh Đại Hội (Mahāsamayaṃsutta) của Đức Thế Tôn([19]). Ngài Buddhaghosa nói rằng: “Vị thiên tử này trú ở cõi Tứ đại vương (Cātummahārājika), có nhiệm vụ làm mưa”. Pajjuna là chức vụ không phải là tên([20]). Thiên tử Pajjuna có hai người con gái là Kokanadā và Culla Kokanadā. *Thiên nữ Kokanadā. Nàng có đến yết kiến Đức Thế Tôn khi Ngài trú ngụ trong Đại lâm (Mahāvana) nơi Kūṭāgārasālā (Giảng đường nóc nhọn), gần kinh thành Vesāli (Quảng Nghiêm). Khi đêm vừa mãn, Thiên nữ Kokanadā với dung sắc thù diệu, hào quang chiếu sáng một vùng, đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng một bên nói lên kệ ngôn: Vesāliyaṃ vane viharantaṃ; aggaṃ sattassa sambuddhaṃ. Kokanadāhamasmi abhivande; kokanadā pajjunnassa dhītā. “Trú ngụ trong rừng Vesāli; Bậc Chánh giác tối thượng của chúng sinh. Kokanāda con kính đảnh lễ Ngài; con gái Pajjuna là Kokanadā”. Sutameva pure āsi; dhammo cakkhumatānubuddho. Sāhaṃ dāni sakkhi jānāmi; munino desayato sugatassa. “Từ trước con chỉ nghe; Pháp nhãn từ Đức Phật. Nay con biết rõ pháp ấy; do ẩn sĩ Thiện Thệ thuyết giảng”. Ye keci ariyaṃ dhammaṃ; vigarahantā caranti dummedhā. Upenti roruvaṃ ghoraṃ; cirarattaṃ dukkhaṃ anubhavanti. “Ai đối với pháp bậc Thánh; ác tuệ khinh thường, phỉ báng. Rơi vào địa ngục Roruva; đau khổ với thời gian dài không kể xiết”. Ye ca kho ariye dhamme; khantiyā upasamena upetā([21]). Pahāya mānusaṃ dehaṃ; devakāya paripūressantī’’ti. “Và ai với pháp bậc Thánh; nhu hoà cùng an tịnh. Khi từ bỏ thân làm người; thành đạt thân chư thiên trọn vẹn”. *Địa ngục Roruva. Là nơi tái sinh của những chúng sinh phỉ báng Pháp, hoặc những chúng sinh có tính keo kiệt, bỏn xẻn([22]), hoặc phạm giới thông dâm([23]). Sớ giải kinh Bổn sự có đề cập đến hai Roruva. – Jālaroruva([24]) có ngọn lửa nóng như tấm lưới trùm lấy tội nhân. – Dhūmaroruva có hơi độc (khāradhuma)([25]). Ngài Buddhaghosa (Phật âm) nói rằng: Jālaroruva là tên gọi khác của địa ngục Avīci (Atỳ) và được gọi như vậy vì tội nhân la hét than khóc lúc bị lửa đốt (aggiṇhi jalante punappunaṃ ravanti) ([26]). *Thiên nữ Cūḷa Kokanadā. Nàng có đến viếng Đức Thế Tôn ở Kūtārāgasālā. Với hào quang xinh đẹp làm sáng rực một vùng, sau khi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng sang một bên thiên nữ bạch với Đức Thế Tôn bằng kệ ngôn: Idhāgamā vijjupabhāsavaṇṇā; kokanadā pajjunnassa dhītā. Buddhañca dhammañca namassamānā; gāthācimā atthavatī abhāsi. “Đến đây với quang sắc thù diệu; là Kokanadā con gái Pajjuna. Con đảnh lễ Đức Phật và Giáo pháp; nói lên kệ lợi ích này”. Bahunāpi kho taṃ vibhajeyyaṃ; pariyāyena tādiso dhammo. Saṃkhittamatthaṃ lapayissāmi; yāvatā me manasā pariyattaṃ. “Ngài phân tích nhiều pháp môn; tuyên bố trọn vẹn pháp ấy. Con nhận thức tổng thể; đầy đủ theo ý con hiểu . Pāpaṃ na kayirā vacasā manasā; kāyena vā kiñcana sabbaloke. Kāme pahāya satimā sampajāno; dukkhaṃ na sevetha anatthasaṃhita’’nti. “Không làm, nói, nghĩ ác; từ thân hoặc mọi điều nơi thế gian. Diệt dục lạc, niệm tỉnh giác; không khổ ép xác, vô bổ không lợi ích”([27]). ----------------------------------------- ([15])– Kho lương dự trữ ám chỉ các con cá bị vướng trong bùn. Nếu trời đổ mưa làm đầy nước trong hồ thì kho lương dự trữ của loài quạ sẽ bị tiêu tan (ĐĐ Indacanda dịch) (CpA. 238-239}. ([16])– Cp.329; J.i. 75. ([17])– JA. Chuyện số 75. ([18])– D.iii, 205. ([19])– D.ii, 260. ([20])– SA.i, 64. ([21])– S.i, 29. ([22])– JA. iii. 299. ([23])– JA. vi. 237. ([24])– JA. v, 266. ([25])– JA.v, 271. ([26])– SA. i. 64. ([27])– S.i, 30. -------------------------------------------- Trích từ: Đức Phật và 45 năm Hoằng Pháp Độ Sinh Soạn giả: Tỳ khưu Chánh Minh __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #8 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | CÂU CHUYỆN VỀ YAMARĀJĀ và NIRAYAPĀLA Diêm vương này là chúa của loài Ngạ quỉ Vemànikā, có lúc cũng hưởng thọ lạc, tức được ở trong cung điện, có Thiên viên, có những vũ nữ quanh vây ca múa, có lúc cũng bị cảm thọ khổ, chính là quả của nghiệp có trong Địa ngục ấy. như trong uparipaṇṇāsa aṭṭhakathā và Tikaṅguttara aṭṭhakathā có nêu rằng: Yamārājā nāma vemānikapetarājā ekasmiṃ kāle dibbavimāna dibbakappasukha dibba uyyāna dibbanāṭaka dibbasampattiṃ anubhavatti ekasmiṃ kāle kammavipākaṃ . Gọi là quả của nghiệp, tức là quả của nghiệp bất thiện, được giải rộng như sau: Chúa của Ngạ quỉ Vemànika này lúc còn ở nhân loại đã thường tạo nghiệp bất thiện và nghiệp thiện. Sau khi mệnh chung được sanh lên cõi Tứ-Thiên-vương, tái tục bằng tâm quả thiện vô nhân cũng có, bằng tâm quả nhị nhân cũng có, tâm quả tam nhân cũng có, giống như các Chư Thiên Vinipātika đó là do mãnh lực của thiện nghiệp. Bởi vậy chúa của nhóm Ngạ quỉ Vemānika ấy mới có thể chứng đạt Đạo quả được. Còn trong thời bình nhật, cũng có lúc cảm thọ quả thiện, có lúc phải cảm thọ quả bất thiện tương xứng với nghiệp mà mình đã tạo. Chúa của nhóm Ngạ quỉ Vemānika nào đạt được Thánh Đạo rồi, vị chúa của nhóm Ngạ quỉ Vemānika ấy sẽ luôn luôn hưởng thọ lạc của thiện, kể từ lúc đạt được Thánh Đạo trở đi. Xin các học giả nên biết là như vậy. Như trong Uparipaṇṇāsa và Tikaṅguttaratīkā có nêu rằng: Kammavipākanti akusalakammavipākaṃ vemānikapetā hi kaṅhasukkavasena missakakammaṃ katvā vinipātikadevatā viya sukkena kammunā paṭisandhiṃ ganhanti tathā hi te maggaphalabhāgino hontu pavattiyaṃ pana kammànurūpaṃ kadāci puññaphalaṃ kadāci apuññaphalaṃ paccānubhavanti yesaṃ maggādhigamata paṭṭhāya puññaphalameva uppajjatīti daṭṭhabbaṃ . Trong mỗi hầm đại địa ngục, không phải chỉ có một Diêm vương, mà thật sự có đến bốn vị tại bốn cửa hầm đại địa ngục, vì lẽ ấy, tổng cộng có đến 32 vị Diêm chúa. Như trong Upāripaṇṇāsa và Tikaṅguttaraṭīkā có nêu rằng: Na cesa ekova hoti catūsu pana dvāresu cattāro janā honti. Trong cả thảy 8 đại địa ngục ấy, mỗi hầm có 4 cửa, tổng cộng 32 cửa, trong mỗi cửa có 4 hầm địa ngục Unada, tổng cộng có 128 hầm, trong mỗi cửa có một vị Diêm vương, tổng cộng có 32 vị Diêm vương. Như trong chú giải Suttasaṅgaha và chú giải Devadūtasutta có nêu rằng: Tattha ekekassa cattāri cattāri dāvāni honti ekasmiṃ dvāre cattāro cattāro ussadaniriyā ekeko ca yamarājā. Nhóm Nirayapāla(cai ngục) này không phải là chúng sanh địa ngục, vì việc tái sanh của nhóm (nirayapāla-cai ngục) này sanh lên do nghiệp ly bất thiện, tương xứng với nghiệp dẫn đến cảnh giới Niraya. Được giải rằng: nhóm Niraya- cai ngục này có sanh chủng là Quỉ sứ và tái tục bằng thiện nghiệp tương xứng dẫn đi tục sinh trong cõi địa ngục. Như trong Kathāvatthu anuṭīkā và Uparipaṇṇāsaṭīkā có nêu rằng: Anerayikā nirayapālā aniriyagati saṃvattayakammanibbattito niriyuppatti saṃvattaniyakammato hi aññeneva kammunā te nibbattanti rakkhasajātikattā. Nếu có người hỏi rằng các cai ngục không phải là chúng sanh địa ngục, nhưng vì sao sanh trong cõi địa ngục ấy? Vì khoảng giữa chỗ, vẫn có sinh mạng, có sự hoan hỷ với việc não hại hoặc giết các chúng sanh như chúng sanh địa ngục chẳng hạn. Giải rằng: thiện nghiệp pha lẫn với Nikantitaṇhā, tức là sự thích thú trong việc não hại chúng sanh, có khả năng dẫn cho tái sanh trong cõi địa ngục, luôn cả cho có thân hình thích hợp với việc hành hình giết các chúng sanh địa ngục. Thế nên nhóm cai ngục này mới có thân hình to lớn, cường tráng, có sức mạnh hơn các chúng sanh địa ngục và biểu lộ hình tướng rất hung dữ, có khả năng làm cho các chúng sanh ở địa ngục sợ hãi, khiếp đảm, như loài quạ, loài chó. . . sanh trong địa ngục này cũng có thân hình to lớn đáng sợ. Các học giả nên biết theo pālī, trong các Kathāvatthu anuṭīkā và Uparipaṇṇāsāṭīkā có nêu rằng: Gijjhāpi kākāpi kulatāpāti etepi yakkhagijjhā ceva yakkhakākā ca yakkhakulalā ca paccetabbā pākatikānaṃ pana gijjhādīnaṃ āpātampi evarūpaṃ nāgacchati. Nói về năm loại Thiên sứ, trong Uparipaṇṇāsa Chánh Tạng và atthakathā. Tất cả nhân loại đang sống trong cõi đời này, thường có tánh sai biệt như người sống thiện hạnh, người sống ác hạnh, tâm tánh đa dạng, nơi đây chỉ tóm tắt 4 loại tương xứng với sở hành của mọi người là: 1. Một số người trong thế gian này thích hành thiện. 2. Có một số người trong thế gian này vừa hành thiện cũng vừa hành ác. 3. Có một số người trong thế gian này thường hành ác hơn hành thiện. 4. Có một số người trong thế gian này chỉ chuyên về hành ác. Cả bốn hạng người này, hạng thứ nhất trong lúc lâm chung thường nhớ đến việc thiện mà mình làm, do đó hạng người này thoát khỏi bốn cõi khổ. Còn hạng người thứ hai, nếu không tự mình nhớ tưởng đến điều thiện được, có thân quyến nhắc nhở cho nhớ được điều thiện đã làm, cũng có thể giúp cho thoát khỏi khổ cảnh được. Ngoại trừ người ấy, tự mình không nhớ đến điều thiện mà mình đã làm, và cũng không có người thân nào nhắc nhở cho mà chỉ mang nỗi buồn phiền hay hối tiếc. Với tâm trạng như thế, người ấy sẽ không thoát khỏi khổ cảnh được. Còn hạng người thứ ba, do tự mình tạo bất thiện nghiệp nhiều hơn thiện nghiệp, cho nên khó tưởng đến điều thiện, ngoại trừ nhận được sự giúp đở của người khác, mà người giúp đở này phải hết sức khéo léo, thì người ấy mới có thể thoát khỏi khổ cảnh được, nếu chỉ là sự giúp đở thông thường thì người ấy không thể an trú trong điều thiện được, khi ấy hạng người này chắc chắn rơi vào khổ cảnh. Còn hạng người thứ tư, thường không thoát khỏi khổ cảnh, ngọi trừ Đức Chánh-Đẳng-Giác, bậc Thượng-Thinh-Văn hoặc bậc Đại-Thinh-Văn mới giúp đở được, và muốn nhận được sự giúp đở từ các vị ấy, người đó phải có Kusala aparāpariyavedaniyakamma "nghiệp có mãnh lực nhiều, tức là thiện nghiệp mà mình thường tạo trong đời quá khứ". Nếu hạng người này rơi vào Địa ngục, liền rơi thẳng xuống địa ngục, chớ không có dịp gặp Diêm Vương để thẩm vấn. Còn hạng người thứ hai và thứ ba, nếu bị rơi vào địa ngục, cũng có cơ hội được gặp Diêm Vương, để Diêm chúa sẽ thẩm vấn, gạn hỏi đến 5 vị Thiên Sứ, rồi sau đó mới đi chịu cảnh thọ khổ trong các địa ngục ấy. Sau khi người ấy rơi xuống Địa ngục, các cai ngục sẽ dẫn người ấy đến gặp Diêm Vương. Câu hỏi của diêm vương về 5 vị Thiên Sứ là: 1. Thiên sứ thứ nhất là sự sanh, sự chào đời của đứa bé. 2. Thiên sứ thứ hai là sự già, tức người già (sống trên đời hay có mặt trên cõi người). 3. Thiên sứ thứ ba là bệnh tật, tức là người bệnh có hiện hữu trên cõi nhân loại. 4. Thiên sứ thứ tư là sự chết, tức là người chết. Sự hiện hữu hiện tượng chết trên cõi nhân loại. 5. Thiên sứ thứ năm là người bị hành tội, tức sự hành hình của pháp luật ở trong nước chẳng hạn như: trộm cắp, cướp bóc, giết người... Khi Diêm chúa thấy người ấy, bèn nói với họ rằng: "Này người kia! Bây giờ ta sẽ hỏi, khi còn ở trên cõi người, ngươi có từng thấy một đứa trẻ mới sanh ra nằm trên vật nhơ nhớp chăng? - Chúng sanh tội phạm đáp rằng: Tôi từng thấy. Diêm vương hỏi tiếp rằng: Khi ngươi thấy đứa bé mới sanh ra như vậy, ngươi có nghĩ rằng: ta đây vẫn còn phải tái sanh nữa, vậy ta phải cố gắng bố thí, trì giới, tu tiến để thoát khỏi sự sanh, khổ do sanh ấy? Chúng sanh địa ngục ấy, sau khi nghe câu hỏi của Diêm chúa như thế rồi, nếu ngay lúc ấy nhớ lại được thiện sự, thì sẽ thoát khỏi địa ngục ngay và sẽ được sanh lên cõi người hoặc Thiên giới. Nếu trong khi ấy không nhớ được thiện sự, thì đáp rằng: tôi từng thấy đứa bé sanh ra thật, nhưng tôi không có suy nghĩ gì, ngoại trừ thỏa thích vui mừng theo thường tình của thế gian thôi. Diêm vương bèn phán rằng: "Nếu vậy, đây chính là sự dể duôi của ngươi mặc dầu ngươi đã thấy sự sanh như vậy mà ngươi vẫn vui mừng thoả thích. Sự vui mừng và dễ duôi này khởi lên từ nơi ngươi, không phải do cha mẹ, vợ con, anh em hay bạn bè, thầy tổ hoặc Chư Thiên làm cho ngươi. Vậy chính ngươi phải thọ nhận quả báo mà ngươi đã làm, không có ai thọ nhận thay ngươi được, ngươi đã hành động như thế nào, ngươi sẽ nhận lãnh quả báo như thế ấy". Rồi Diêm Vương phán tiếp rằng: "Vậy người có từng thấy người già, người bệnh, người chết và kẻ tội phạm chăng?". Chúng sanh địa ngục ấy đáp rằng: "tôi từng thấy" Diêm vương phán hỏi tiếp rằng: lúc ngươi thấy người già, người bệnh, người chết hoặc kẻ tội phạm. Ngươi có suy nghĩ rằng chính ta đây cũng bị già, bệnh và chết, ta hãy tinh cần bố thí, trì giới, tu tiến để làm chỗ nương tựa cho chính mình và có thể giúp mình thoát khỏi các sự đau khổ ấy chăng? Chúng sanh địa ngục ấy, sau khi nghe phán hỏi lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, lần thứ năm. Nếu nhớ được thiện sự thì sẽ trả lời giống như câu trả lời trong Thiên Sứ thứ nhất. Đối với những người nào, sau khi làm các thiện sự, có hồi hướng phước cho Diêm Vương, sẽ được Diêm Vương cố gắng giúp cho người ấy nhớ lại các Thiên sứ ấy. Vậy người, sau khi tạo phước bố thí, trì giới hay tu tiến rồi, hãy hồi hướng phước báu đến Diêm Vương. Diêm vương sẽ nhớ được, vì đã từng nhận phước nơi người ấy. Nếu người nào sau khi bố thí, trì giới, tu tiến nhưng không có hồi hướng phước đến Diêm chúa. Diêm Vương không thể nhớ được thiện sự của người ấy. Sau khi Diêm Vương gợi ý, mà người ấy vẫn không nhớ được, vẫn ngồi im lặng. Bấy giờ, các cai ngục đem người ấy ra hành tội tùy theo ác nghiệp mà người đó đã làm. Nếu Diêm Vương nhớ được thiện nghiệp của người ấy, thì sẽ nói lên, người ấy nghe Diêm Vương nói lên như vậy, cũng nhớ được rằng: "ta đã từng bố thí, trì giới, tu tiến như vầy... như vầy... ngay lúc nào nhớ được thiện nghiệp của mình, liền khi đó, người ấy thoát khỏi địa ngục". Vậy việc nhắc nhở, gợi ý của Diêm Vương là nhân, việc nhớ được thiện nghiệp của mình là quả. Việc nhớ lại được thiện nghiệp của mình là nhân, việc thoát khỏi địa ngục ấy là quả. -------------------------------- Trích từ: CHÚ GIẢI NGƯỜI VÀ CÕI PARAMATTHAJOTIKA MAHĀ ABHIDHAMMAMATTHA SAṆGAHAṬĪKĀ Chương IV & V Dịch giả: BHIKKHU KUSALAPUÑÑO Tỳ khưu Thiện Phúc PL. 2543 - DL. 1990 __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #9 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | HƯƠNG TAM QUY VÀ NGŨ GIỚI Một hôm Ngài Đại đức Ānanda, sau khi làm phận sự thị giả phục vụ Đức Phật xong, trở về chỗ nghỉ của mình, Ngài tư duy rằng: Trong đời này, hương thơm có 3 loại [5]: Hương thơm của rễ cây, hương thơm của lõi cây, hương thơm của các loài hoa; những hương thơm này tỏa ra bay thuận theo chiều gió, không thể bay ngược chiều gió. Vậy có thứ hương thơm nào có thể tỏa ra bay ngược chiều gió hay không? Để giải đáp điều thắc mắc của mình, Ngài Đại đức Ānanda đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: - Kính bạch Đức Thế Tôn, có loại hương thơm nào tỏa ra bay thuận chiều gió cũng được, tỏa ra bay ngược chiều gió cũng được, loại hương thơm ấy có trong đời này hay không? Bạch Ngài. - Này Ānanda, trong đời này có loại hương thơm tỏa ra bay thuận theo chiều gió cũng được, tỏa ra bay ngược chiều gió cũng được. Đại đức Ānanda bạch tiếp rằng: - Kính bạch Đức Thế Tôn, loại hương thơm nào mà có thể tỏa ra bay thuận theo chiều gió cũng được, tỏa ra bay ngược chiều gió cũng được? Bạch Ngài. - Này Ānanda, trong đời này, người cận sự nam, cận sự nữ ở trong xóm, ở trong làng, trong tỉnh... nào, là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Tăng Bảo. Là người có tác ý thiện tâm tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Là người có giới hạnh trong sạch và trọn vẹn, có thiện pháp phát triển, không có tâm keo kiệt bủn xỉn trong của cải của mình, có thiện tâm hoan hỷ trong việc làm phước thiện bố thí, với đôi bàn tay dịu dàng, đáp ứng đúng với nhu cầu của những người thọ thí. Đối với người cận sự nam, cận sự nữ ấy được các Samôn, Bàlamôn khắp mọi nơi, mọi phương hướng, đều tán dương ca tụng giới đức của họ rằng: “Người cận sự nam, cận sự nữ ở trong xóm, trong làng, là người quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Tăng Bảo. Là người có tác ý thiện tâm tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Là người có giới hạnh trong sạch và trọn vẹn, có thiện pháp phát triển, không có tâm keo kiệt bủn xỉn trong của cải của mình, có thiện tâm hoan hỷ trong việc làm phước thiện bố thí với đôi bàn tay dịu dàng, đáp ứng đúng với nhu cầu của những người thọ thí”. Chư thiên khắp mọi nơi cũng đều tán dương ca tụng người cận sự nam, cận sự nữ ấy, như các Samôn, Bàlamôn đã tán dương ca tụng vậy. Này Ānanda, đó là loại hương thơm có thể tỏa ra bay thuận theo chiều gió cũng được, tỏa ra bay ngược chiều gió cũng được vậy. Đức Phật thuyết dạy bài kệ rằng: “Na pupphagandho paṭivātameti Na candanaṃ tagaramallikā vā Satañca gandho paṭivātameti Sabbā disā sappuriso pavāyati. Candanaṃ tagaraṃ vāpi Uppalaṃ atha vassikī Etesaṃ gandhajātānaṃ Sīlagandho anuttaro”. Hương thơm các loài hoa Tỏa ra thuận chiều gió Không ngược chiều bao giờ! Hương trầm, hương lõi khác Cũng không bay ngược chiều, Nhưng hương bậc thiện trí Đức Phật, chư Thánh Tăng Lan tỏa ra mọi nơi Thuận chiều lẫn ngược chiều Khắp bốn phương, tám hướng. Hương trầm, hương lõi cây, Hương sen, hương hoa lài, Tất cả mọi mùi hương Không sánh được hương giới Hương của giới cao thượng [6] Hơn tất cả mọi hương. ------------------------------ [5] Aṅguttaranikāya Tikanipāta, Kinh Gandhasutta và Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā. [6] Hương của giới: Hương có nghĩa là đức, gọi là giới hương, giới đức. Chúng sinh có thể biết được hương của giới, hoặc đức của giới; bởi vì, hương hoặc đức này được biểu lộ ra ở thân và khẩu, còn các đức khác ở trong tâm, khó mà biết được dễ dàng. -------------------------------------- Trích từ: NỀN TẢNG PHẬT GIÁO (MŪLABUDDHASĀSANA) QUYỂN II QUY Y TAM BẢO (TISARAṆA) Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #10 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | Giết Phật Bằng Voi Dữ Nālāgiri Đã hai lần hại Phật không được, Devadatta tìm cách nghĩ ra mưu kế khác, ông không hề biết rằng, muôn dân đang căm hận ông, nguyền rủa ông. Hôm kia ông vào gặp đức vua Ajātasattu, nói rằng: - Nay thái tử đã lên ngôi vua chí tôn, vậy là an ổn do vua cha đã “lên trời” rồi, còn bần đạo thì chưa tìm ra cách nào để giết ông sa-môn Gotama cả. Như vậy thì kế hoạch của chúng ta chỉ thành công được một nửa. Vì khi mà bần đạo chưa chưởng quản được giáo hội Tăng-già thì bần đạo chưa thể cung hiến thần kế giúp tân vương tranh đoạt thiên hạ được. Đức vua Ajātasattu trầm ngâm giây lâu: - Trẫm sẵn sàng giúp ngài cả nhân lực và tài lực, mong rằng đại sự của chúng ta chóng thành. Vậy thì có mưu kế gì hay hơn, ngài cứ bày ra, chẳng có gì phải e ngại cả. Devadatta ưu tư nói: - Với con người, sức của con người thì chẳng làm gì được ông sa-môn Gotama đâu! - Tại sao? Tân vương ngạc nhiên hỏi. - Thưa! Oai lực, thần lực cùng từ bi tâm của ông sa-môn kia làm cho ai nấy đều không dám đến gần. Nếu có ai đến gần thì cũng không dám ra tay. Và cuối cùng, bọn chúng đều bị cảm hóa cả. - Vậy thì phải làm sao? - Nghe nói rằng, đại vương có một con voi báu, rất hung dữ, có sức mạnh khủng khiếp. Nếu dùng voi ấy để giết ông sa-môn Gotama quả là thượng sách. Con người thì sợ năng lực của ông ta, còn loài súc sanh thì chúng đâu có biết gì! - Đúng lắm! Tân vương ca ngợi – Ngài nghĩ vậy thì thật là chu đáo! Nói xong, vua bèn cho gọi người quản tượng, dặn là phải tuyệt đối nghe theo lệnh của Devadatta. Khi người quản tượng dẫn Devadatta đến chuồng nuôi voi, thấy một con voi rất to lớn, đen đúa, tướng mạo rất dữ dằn, đang bị khóa bằng mấy vòng xích sắt kiên cố; bèn hỏi: - Con voi này có phải tên là Nālāgiri nổi danh đây chăng? - Thưa phải! - Tại sao khóa xích sắt kiên cố như thế? - Thưa, chỉ để dự phòng thôi ạ! Devadatta nhăn mày: - Ngươi hãy nói rõ lý do tại sao? - Thưa, cứ cách ba ngày là phải cho nó ăn một thúng cơm và uống một hũ rượu, bằng không nó sẽ phá chuồng mà đi! Được cơm và rượu xong, nó sẽ dễ bảo. Còn đúng kỳ hạn mà không bày cơm rượu, nó sẽ nổi tính điên cuồng chẳng có ai kềm giữ được! Devadatta cười nói: - Thế ra, xích sắt này chỉ để phòng hờ những khi quên cung cấp khẩu phần cơm rượu cho nó đây! - Thưa vâng! - Nuôi dưỡng tốn kém như thế thì đức vua sẽ dùng nó vào việc gì? Người quản tượng rành rẽ đáp: - Thưa, nuôi quân ngàn ngày đôi khi chỉ dùng có một lần. Cũng vậy, con voi này chỉ để dành những khi xung trận. Chỉ cần trước khi giáp lá cà, cho nó ăn vài thúng cơm, cho nó uống tám hũ rượu gạo là nó hung mãnh lao đi giết giặc còn lợi hại hơn cả một ngàn quân, lợi hại hơn sức của một trăm con voi khác cộng lại. Nghe vậy, Devadatta hớn hở nói: - Vậy thì ngươi cứ chuẩn bị cho ta ba thúng cơm và mười sáu hũ rượu gạo thật ngon, khi có lệnh là sử dụng ngay, không được chậm trễ! Người quản tượng thất kinh, chăm chăm nhìn vị sa-môn, y trố mắt ngạc nhiên nhưng không dám hỏi, trong bụng nghĩ thầm rằng: Bậc tu hành sao lại có tâm địa ác độc, coi rẻ mạng sống của người khác đến thế? Mười sáu hũ rượu gạo mà voi uống vào thì cả hàng chục ngôi làng cũng bị nó san thành bình địa! Hay là đức vua sắp có một cuộc chiến tranh lớn? Cũng không đúng! Vì kẻ tu hành sao lại kích động chuyện giết nhau? Riêng Devadatta thì khoan khoái trong lòng, tự nghĩ rằng, hại ông sa-môn Gotama bằng con voi Nālāgiri này, hẳn là thân xác ông ta bị dập nát như quả cà chua đỏ! Và ngôi vị bá chủ tăng chúng còn ai dám tranh đoạt với ta? Hắn hỉ hửng rồi lắp bắp thành tiếng: - Sau khi ta làm giáo chủ giáo hội rồi, ta sẽ mở một chiến dịch, có ông vua trẻ ngu si hỗ trợ, lần lượt thanh toán hoặc ức chế sự hoạt động của tôn giáo khác. Một tương lai rất gần thôi, thiên hạ “không tín ngưỡng” là thuộc ông vua con nhưng ở dưới quyền điều khiển của ta, còn thiên hạ “có tín ngưỡng” là hoàn toàn do ta lãnh đạo. Khi ấy thì nói gì danh vọng, lợi dưỡng và quyền lực! Ta sẽ tạo ra một vương quốc không có ngai vàng, mà uy lực của ta sẽ thống trị từ chỗ mặt trời mọc đến chỗ mặt trời lặn, rộng cho đến hải biên hoang đảo. Lúc ấy thì tha hồ mà hưởng thụ ngũ dục tối thượng. Còn ai dám nhắc nhở ta điều này đáng làm và điều kia không nên làm như ông sa-môn Gotama đạo đức giả kia chứ! Như thỏa chí bình sinh quá, Devadatta cất tiếng cười hô hố rất ngạo mạn và lố bịch. Một chân trời khoái lạc rộng mở trước mắt hắn! Mờ sương hôm ấy, ở Trúc Lâm, tại hương phòng, theo lệ thường, đức Phật nhập đại bi định, xuống cận hành định, dùng Phật nhãn quán xét thế gian, xem thử ai có hữu duyên nên tế độ. Sau khi thấy rõ, biết rõ chuyện gì xảy ra, đức Thế Tôn chợt mỉm cười, xả định, đi kinh hành lui tới với tâm thái hoàn toàn an nhiên, buông xả. Trong không khí mát mẻ và vắng lặng của khu rừng tre, bỗng nhiên, rất nhiều bước chân và tiếng người xôn xao trước cổng của tịnh xá. Lát sau, tôn giả Ānanda vào quỳ bạch Phật: - Không biết có chuyện gì mà cận sự nam nữ hai hàng thành Rājagaha, lũ lượt từng đoàn, từng đoàn muốn vào gặp mặt đức Thế Tôn? Đức Phật dịu dàng nói: - Này Ānanda, có chuyện đấy! Hãy cho họ tự nhiên vào gặp Như Lai! Đoàn người được đức Thế Tôn tiếp kiến. Họ đồng quỳ đảnh lễ cả khoảng sân lớn rồi vị bô lão đại diện tâu: - Chúng con thỉnh nguyện đức Thế Tôn sáng nay không nên đi vào thành để khất thực. Tất cả chúng con đồng đến đây để đặt bát cúng dường đức Thế Tôn và toàn thể Tăng chúng Trúc Lâm. Vì lòng bi mẫn xin đức Thế Tôn hoan hỷ nhận lời. Đức Phật đưa mắt hiền hòa nhìn khắp hai hàng cư sĩ áo trắng rồi hỏi: - Có chuyện gì chư vị cứ nói, Như Lai đang nghe đây! Một tín nữ thưa: - Sáng nay, từ rất sớm, bạch đức Thế Tôn! Vị tân quốc vương ác đức vừa mới giết cha hiền để chiếm ngôi, có ra thông báo khắp các hang cùng ngõ hẻm, rằng là toàn thể dân chúng trong thành không ai được đi ra đường, vì quản tượng sẽ cho thả voi dữ Nālāgiri uống rượu say! Đức Phật gật đầu: - Ừ! Thì chuyện đó Như Lai có biết! Lời vị khác chen vào: - Bạch! Thiên hạ đồn ầm lên rằng, Devadatta âm mưu với vua Ajātasattu thả voi say là muốn giết hại đức Thế Tôn đấy! Đức Phật gật đầu một lần nữa: - Ừ! Thì chuyện âm mưu giữa họ với nhau như thế, Như Lai cũng biết mà! - Nhưng mà con voi hung dữ ấy sẽ giết ngài cùng với Tăng chúng đi theo. Voi Nālāgiri nổi tiếng vô địch vang danh khắp các tiểu quốc, khi say rượu rồi thì chẳng kể trời đất gì nữa! Đức Phật hỏi: - Vì chuyện ấy mà chư vị thỉnh Như Lai cùng với chư tăng thọ thực tại tịnh xá? - Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn. Đức Phật yên lặng một lát rồi nói: - Chư vị nghĩ như thế nào thì cứ như vậy mà làm. Còn sáng nay, Như Lai và Tăng chúng sẽ vào thành khất thực là chuyện của Như Lai. Tại sao lại như thế? Vì Như Lai thấy rõ, biết chắc rằng trên đời nay, không một sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, ma vương, phạm thiên nào lại có khả năng làm hại Như Lai cả. Ngoài ra, chư vị biết sao không? Con voi hung dữ Nālāgiri ấy, sẽ được Như Lai cảm hóa. Và do duyên ấy, một ngóm ngoại đạo được cải tà quy chánh và vô lượng chúng sanh người, trời, phạm thiên chứng đắc thánh đạo và thánh quả. Vì lợi ích cho phần đông như thế, chư vị nghĩ là Như Lai nên đi khất thực bình thường hay ở lại chùa vì sợ hãi voi dữ? Toàn thể cận sự nam, cận sự nữ vốn có đức tin vững chắc nơi đức Phật nên khi nghe ngài trình bày nguyên nhân và kết quả của sự việc, họ hoan hỷ vô cùng, đồng thanh đáp: - Nên đi! Đức Thế Tôn và chư tăng nên vào thành khất thực như lệ thường. Và chúng con cũng sẽ đặt bát cho đức Thế Tôn và chư tăng vào trưa nay, ở Trúc Lâm này! Với niềm tin tưởng mãnh liệt là voi dữ sẽ được đức Thế Tôn cảm hóa, họ không lo sợ nữa, đảnh lễ ngài rồi ra về. Khi họ vừa mới đi khuất, đức Phật dặn bảo tôn giả Ānanda: - Ông hãy thông báo gấp, là sáng nay, toàn thể Tăng chúng ở khắp mười tám đại tự viện hãy cùng vào thành Rājagaha khất thực với Như Lai. Chỉ một lát sau là tin truyền đã rì rào như gió lan đi khắp thành Rājagaha. Cận sự nam và nữ bảo nhau rằng: - Hôm nay chúng ta sẽ tận mắt nhìn thấy đức Phật cảm hóa voi dữ Nālāgiri, và như vậy thì mưu kế ác độc của tên ác tăng Devadatta và thằng vua con bất hiếu Ajātasattu sẽ thất bại một cách thảm hại. Thế rồi, họ ùa nhau leo lên đọt cây cao, trên mái nhà hoặc sườn núi kế cận để quán sát cho rõ. Dân chúng thuộc nhiều giáo phái ngoại đạo, thì được giáo chủ của họ truyền miệng với nhau rằng: - Voi Nālāgiri có sức mạnh phi thường, lại uống rượu say nữa thì phải biết! Chúng ta sẽ được mãn nhãn nhìn ngắm hung tượng chà đạp, dẫm nát sa-môn Gotama! Họ cùng nhau leo lên lầu cao hoặc mái nhà cao để chứng kiến chuyện hy hữu. Không bao lâu sau, trên đường chính dẫn vào kinh thành, đức Thế Tôn mặc y màu mặt trời dẫn đầu đoàn sa-môn dài dằng dặc như con rồng vàng uốn lượn, thanh thản, uy nghiêm từng bước một. Đường xá vắng tanh, nhà nhà đóng cửa im ỉm như một thành phố chết. Tuy nhiên, nếu để mắt một chút, rất nhiều dân chúng tụ tập lố nhố trên những điểm cao, mà ở đó có thể quan sát trọn con đường sắp xẩy ra một trận kinh hoàng. Lúc ấy, ở cuối đường ngược chiều, người quản tượng theo lệnh của Devadatta, đã cho voi Nālāgiri ăn ba thúng cơm và uống hết mười sáu hũ rượu gạo ngon nhất. Voi gầm một tiếng, người quản tượng chưa kịp xua đi thì nó đã giở vòi, quạt hai lỗ tai, cong đuôi chạy thẳng về phía trước. Bóng voi sắc lông màu hung xám, cao to lừng lững như quả núi càng lúc càng nghiêng đổ về phía đức Phật. Chư tỳ-khưu thấy vậy, e ngại nói: - Bạch đức Thế Tôn! Con voi hung ác kia say như điên đang chạy đến đây. Xin ngài hãy quay trở lại! Đức Phật phủ dụ: - Các thầy đừng lo ngại. Không có một ai trên đời này có thể làm hại Như Lai. Con voi điên kia, Như Lai cảm hóa nó được mà! Tôn giả Sāriputta, đại đệ tử của đức Phật bước ra tâu: - Bạch đức Thế Tôn! Trên đời này có thông lệ, hễ có việc gì xẩy đến cho phụ thân, trách nhiệm ấy thuộc về người con trưởng. Vậy xin đức Từ Phụ cho phép đệ tử cảm hóa con voi hung dữ ấy! Đức Phật mỉm cười: - Với oai lực của bậc thánh Thinh Văn đệ nhất, tuy không bằng chư Chánh Đẳng Giác, ông có khả năng cảm thắng con voi kia một cách dễ dàng. Như Lai biết rõ như thế. Nhưng vì lợi ích cho phần đông, việc ấy cứ để cho Như Lai. Lần lượt một số chư vị trưởng lão đều xin phép được gánh phần trách nhiệm, nhưng đức Phật thảy đều từ chối. Tôn giả Ānanda biết mình chẳng có khả năng, uy lực gì, nhưng vì quá kính yêu đức Phật, không thể đứng yên nhìn sự nguy hiểm đang xảy ra uy hiếp tính mạng của ngài; với ý nghĩ: “Này voi Nālāgiri! Hãy giết chết ta trước, ta quyết hy sinh mạng sống để bảo vệ cho đức Thế Tôn!”; rồi vội vàng bước ra đứng chắn trước mặt đức Phật. Đức Phật bảo: - Này Ānanda! Hãy tránh sang nơi khác, không được đứng trước Như Lai! Tôn giả Ānanda không chịu tránh, thưa: - Voi Nālāgiri hung hiểm và bạo tợn kia, trước khi đụng đến đức Thế Tôn, nó phải bước qua xác đệ tử! Thế rồi, đã ba lần bảo tránh, tôn giả Ānanda cũng cương quyết chỉ muốn chết thay; bất đắc dĩ đức Phật phải sử dụng thần thông, Ānanda mới chịu lùi bước. Lúc ấy, voi Nālāgiri đang lao tới với một tốc độ khủng khiếp. Đột ngột, từ sau ngõ hẻm, một người đàn bà bồng con xuất hiện giữa đường. Chợt thấy voi điên, bà sợ hãi quá, bỏ con dưới đất rồi bỏ chạy. Voi Nālāgiri lùi lũi xông tới, thoáng thấy bóng người, nó quặt vòi, lao theo, nhưng người đàn bà đã lẩn khuất sau bức tường. Voi quay lại đến bên đứa trẻ. Thấy voi dữ, nó khóc thét lên. Sự việc trên xảy ra trước tầm mắt của đức Thế Tôn. Khi thấy Nālāgiri với đôi mắt đỏ ngầu như sắp chà nát một hài nhi vô tội, đức Phật liền rải tâm từ. Một luồng khí mát mẻ, an lành tuôn chảy ra không gian, bao bọc thân thể của voi Nālāgiri rồi thâm nhập vào tận tim gan, máu huyết và cả tâm trí nó. Rồi đức Thế Tôn cất giọng phạm âm dịu dàng, ngọt ngào, trìu mến như lời ru của mẹ rót vào tai của voi Nālāgiri: - Này Nālāgiri! Này con yêu quý! Người ta đã cho con uống mười sáu hũ rượu làm cho con điên đảo, đã biến thành thú tính hung dữ. Người ta đã cố ý lợi dụng con để giết Như Lai, chớ không phải giết hại ai khác. Vậy hãy tha cho đứa trẻ kia mà đến đây với Như Lai! Hãy đến với Như Lai, này Nālāgiri yêu quý! Như được uống một liều thuốc an thần, như vừa được tắm trong dòng suối trời, voi Nālāgiri chợt tỉnh lại. Ngẩng đầu lên, voi cảm nhận một sự mát mẻ và bình an lạ thường toát ra từ vùng ánh sáng phía trước. Một tiếng gọi sâu thẳm từ vô thức mơ hồ đánh thức nó, voi như tìm lại được hình bóng và âm điệu ru êm của đấng mẹ hiền; và nó chỉ là đứa con nhỏ cần được vuốt ve, che chở. Cơn say điên đảo tan biến, voi Nālāgiri hạ vòi xuống, hai tai buông rủ, ngoan ngoãn quỳ mọp cả bốn chân rồi lết tới, nằm phủ phục dưới chân đức Phật ra chiều quy thuận. Giọng đức Thế Tôn cứ tiếp tục dịu dàng, ngọt ngào tuôn chảy vào tai nó: - Này Nālāgiri! Này con yêu quý! Thân phận con là loài voi, thuộc hàng súc sanh vô phước và tội nghiệp. Như Lai là đức Phật cao thượng giữa muôn loài. Từ nay, con phải thay tâm đổi tánh, đừng nên giết hại bất kỳ một ai khác nữa. Điều ấy con phải làm vì lợi ích và an vui cho chính con! Đức Thế Tôn vừa nói vừa tiếp tục rải tâm từ, làm cho làn khí tâm từ càng lúc càng đầy ắp, sung mãn; rồi ngài đưa bàn tay búp sen dịu dàng như tơ trời “đâu-la-miên”(1) vuốt trên đầu voi, rồi khuyên dạy: - Này Nālāgiri! Nầy con yêu quý! Con là một con voi có vòi, con voi con bé bỏng và yếu đuối. Như Lai cũng là con voi, nhưng lại là voi chúa kiêu hùng và cao thượng. Làm thế nào con voi con lại có thể đương đầu hoặc sát hại con voi chúa là Như Lai? Con biết sao không? Chuyện không thể ấy, nếu con làm được, nếu con làm hại voi chúa cao thượng là nhân đem lại sự đau khổ cho con. Ai làm hại voi chúa cao thượng, người ấy không được tái sanh vào cảnh giới an vui. Con chớ nên si mê! Không nên dể duôi nữa! Vì sự giải đãi quên mình sẽ tạo nên ác nghiệp tội lỗi, phải sa đọa vào những cảnh giới tối tăm, thống khổ. Hãy nên làm việc lành, này Nālāgiri yêu quý. Ai tạo thiện nghiệp, người ấy sẽ tái sanh vào những cảnh giới hạnh phúc, huy hoàng và xán lạn! Thế là đức Phật đã thuyết pháp tế độ cho voi Nālāgiri. Nghe xong, toàn thân tâm của voi phát sanh hỷ lạc chưa từng có. Nếu không phải là loài súc sanh, sau thời pháp ấy, chắc chắn nó đã chứng đắc thánh đạo quả. Dân chúng từ các điểm cao trong thành Rājagaha tận mắt nhìn thấy từ đầu chí cuối đức Phật cảm thắng hung tượng Nālāgiri một cách phi thường, kỳ diệu; họ hoan hỷ vỗ tay reo mừng vang dội. Rồi họ lũ lượt leo xuống, chạy đến tận nơi, ném tất cả những đồ trang sức, vòng vàng, châu báu xuống thân mình voi, phủ cao thành đống. Voi bây giờ nằm yên, ngoan ngoãn hiền lành. Từ thời khắc này, voi dữ Nālāgiri được dân chúng gọi tên là voi Dhānapālaka (voi giữ gìn của cải). Trước tất cả tăng chúng và mọi người, đức Phật đặt tay lên đỉnh đầu hiền tượng Dhānapālaka cho nó thọ quy giới. Hiền tượng nằm mọp xuống, lấy vòi hút bụi ở hai bàn chân đức Phật rồi phun lên đầu mình để tỏ lòng tôn kính. Xong, nó lùi xa một khoảng, rung mình, rũ ngọc ngà, châu báu lả tả rơi xuống đất, quỳ xuống, cúc cung đảnh lễ đức Phật ba lần rồi quay đầu, chậm rãi, bỏ thành phố đi thẳng vào non sâu. Đức Phật nhiếp tâm phát sanh năng lực thù thắng rồi chú nguyện: - Vàng ngọc, của cải nằm rơi đầy trên đất kia, vốn là của ai, hãy hoàn về chủ cũ! Lạ lùng làm sao, lời nguyện vừa dứt, ngọc ngà châu báu đang nằm vô tri, bất động trên đất; chợt như có chân, có mắt, đồng loạt vọt lên, bay về nơi tay, nơi cổ, trong túi, trong xách của những người chủ cũ, không hề sai trật! Vừa chứng kiến chuyện cảm hóa voi dữ của ngài, bây giờ lại thấy năng lực phi thường này nữa của đức Thế Tôn, toàn thể dân chúng thành Rājagaha xiết bao kỉnh mộ. Cận sự nam nữ hai hàng lại được cũng cố thêm đức tin và dào dạt niềm tự hào. Ngay chính nhóm ngoại đạo thù ghét đức Phật luôn manh tâm phá hoại, khuấy rối ngài, cũng bắt đầu thay đổi cách nhìn, chuyển tâm hóa tánh. Có một số trong họ, chẳng ngại ngùng gì, đến khấu đầu đảnh lễ đức Phật rồi xin cải giáo. Dịp này, vô số người, chư thiên, phạm thiên chứng đắc Nhập lưu thánh đạo quả. Công việc đã xong, nhân duyên sáng nay thế là đã thành tựu, đức Phật ra dấu hiệu bảo đức Ānanda cùng với tăng chúng quay trở về Trúc Lâm. Thế là cận sự nam nữ cùng với dân chúng thành Rājagaha lũ lượt đi theo, mang rất nhiều vật thực để cúng dường đến chư tăng, có đức Phật là chủ trì. Ai ai sắc mặt cũng hân hoan, vui sướng; tán dương năng lực thuần hóa voi dữ của đức Phật, rồi thốt lên bằng bài kệ: “- Người ta dạy ngựa hay voi Sử dụng móc sắt, mây roi bện thừng Thế Tôn – khéo, lạ quá chừng Chẳng roi, chẳng móc, chẳng trừng phạt ai Từ bi, năng lượng thiện tài Nhiếp hóa voi dữ, Như Lai phép mầu!” ---------------------------------------------- (1) Tơ trời cung Đẩu Suất. ----------------------------------------------------------- Theo: MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT TẬP 6 Minh Đức Triều Tâm Ảnh Nhà xuất bản Văn Học 2014 __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #11 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | VỊ THÁNH TRONG BỤNG CÁ Đã lâu lắm rồi, tại Bārāṇasī, thiên hạ xôn xao bàn tán một câu chuyện lạ lùng. Nó như sau: - Có một gia đình trưởng giả tại Kosambī, sinh hạ được một bé trai. Theo tập quán nhân gian, bà vú nuôi mang hài nhi ra sông Mahāyamunā để tắm. Người ta tin tưởng rằng, chỉ cần nhúng vào nước ba lần là đứa bé sau này sẽ mạnh khỏe, không có bệnh tật, ốm đau do đã trình diện với thần sông rồi! Khi bà vú vừa đặt trẻ xuống nước thì có một con cá to lượn tới nuốt đứa bé rồi lặn đi mất. Không kể chuyện khóc than, thương tiếc của gia đình trưởng giả, chỉ nói chuyện về con cá. Chẳng rõ lộ trình xuôi ngược dưới sông của chú cá như thế nào mà sau đó, nó bị dính lưới của một ngư phủ tại phía hạ lưu sông Gaṅgā, tận Bārāṇasī; rồi với bốn người khiêng, họ mang ra chợ bán. Nhân duyên tiếp theo, tại Bārāṇasi, một gia đình phú hộ kia, do tổ chức một buổi tiệc lớn chừng một trăm người ăn. Thường thì chỉ gia nhân đi chợ; nhưng hôm ấy, bà chủ có cảm giác kỳ lạ xúi giục là chính bà phải đích thân làm việc ấy. Đến chợ, khi thấy con cá, bà nghĩ là phải mua con cá này. Sau đó, cùng với gia nhân, mua sắm thứ này, thứ kia rồi bà thuê người gánh con cá to lớn ấy về nhà. Khi đám tớ trai mổ bụng cá ra, phát giác trong bụng cá có một hài nhi còn sống, ngạc nhiên, bà tới xem, thấy là con trai, bà nghĩ thầm, mình không có con nối dõi tông đường, bây giờ, từ trong bụng cá, lại hiện ra một chú bé trai như thế này, không là của thần linh trao tặng cho là gì! Mừng quá, bà bồng trẻ đi tắm rửa cho sạch nhớt, sạch máu còn dính đầy nơi thân thể thì thấy hiện ra một chú bé kháu khỉnh, mủm mỉm. Thôi thì bà hít, bà thơm, bà nựng; và chợt nhiên một tình cảm lạ lùng xâm nhập tâm hồn bà: Tình mẫu tử thiêng liêng! Ông phú hộ cũng sung sướng không thua gì bà, cho làm cuộc tế lễ lớn để cảm tạ thần linh. Tin đồn lan ra, mọi người trong xóm phường đổ xô tới nơi xem chuyện lạ về đứa trẻ được sinh ra trong bụng cá! Trở lại chuyện ông bà trưởng giả tại Kosambī mất con. Sau nhiều tháng ngày tiếc thương, sầu não - vì ông bà cũng không có con trai nối dõi - nhưng hôm kia, ông bà có linh tính là nó chưa chết nên thuê người đi dọc triền sông Mahāyamunā, bờ bên này, bờ bên kia để tìm kiếm xem thử có manh mối gì không, nhưng tìm hoài vẫn không thấy tăm hơi gì. Bỏ sông nhỏ, họ xuống sông Gaṇgā, và suốt mấy năm tìm kiếm ở thượng lưu, cũng không có tin tức gì. Về phía hạ lưu, lần hồi đến Bārāṇasī; và chính tại đây, họ nghe tin tức về đứa bé. Sau nhiều ngày điều tra, theo dõi nữa, biết chính xác là đứa bé trong bụng cá rồi, tại ngôi nhà của ông phú hộ nên họ về báo lại với chủ. Thế rồi, với nhiều xe lễ vật trọng hậu, hai ông bà trưởng giả ở Kosambī tìm đến gia đình phú hộ ở Bārāṇasī, xin lại đứa con trai, bây giờ đã sáu, bảy tuổi. Chuyện bất thành, vì gia đình phú hộ không đồng thuận. Ông bà trưởng giả cũng không chịu để mất con trai, đến phủ đường kinh thành cầu cứu, nhờ quan phân xử. Phủ quan bất lực, nội vụ sau đó được mang đến đức vua. Nhìn đứa bé có tướng mạo hình dong dễ thương, nhìn sang cả hai bên gia đình, thấy ai nấy đều không muốn mất con, đức vua phán: - Một bên là máu huyết, mang nặng đẻ đau; một bên là cứu đứa bé trong bụng cá, lại có công nuôi dưỡng. Đem lên cán cân tình lý thì hai bên cân bằng, không nghiêng lệch bên nào. Vậy trẫm phán xử, đứa bé là con của cả hai gia đình nên trẫm sẽ đặt tên cho nó là Bakkula (trẻ của hai gia đình). Hãy tuân thủ theo quyết định của trẫm. Bakkula lúc ở bên này, lúc ở bên kia, chia phân cho đồng đều; và sau này, cũng được quyền thừa kế cả hai nơi! Câu chuyện trên sở dĩ được kể lại, là vì sau khi đức Thế Tôn và đại chúng ghé Bārāṇasī, ngụ tại Isipatana, thuyết pháp cho hai hàng cận sự nam nữ thì có một ông già đã tám mươi tuổi đến xin xuất gia. Ông già này nổi tiếng trong vùng vì nằm trong bụng cá, ai cũng biết, có tên là Bakkula. Đức Phật hỏi: - Ông đã quá già, có kham nổi đời sống xuất gia không, này Bakkula? - Con kham nhẫn được, bạch đức Thế Tôn! Quán nhân duyên quá khứ, đức Phật mỉm cười, biết là ông ta tu được, không những tu được mà còn đắc quả A-la-hán cùng thắng trí, bèn hỏi tiếp: - Vậy thì ông đã thu xếp xong xuôi chuyện gia đình chưa, này “Người con trong bụng cá”? - Rất dễ dàng thôi, bạch đức Tôn Sư! Thuở nhỏ, con thừa kế gia sản cả hai gia đình được tám trăm triệu đồng tiền vàng. Cha mẹ sinh và cha mẹ dưỡng đều đã mất. Số tiền ấy, con sẽ dùng một nửa chia cho con và cháu cả hai gia đình. Một phần con sẽ bố thí cơm áo, thuốc men cho những người nghèo đói trong xứ. Hiện tại, còn phần cuối cùng, sau khi chia cho con cho cháu hết rồi, cho con được tu sửa, chỉnh trang toàn bộ đại lâm viên này và cúng dường tứ sự bảy ngày đến đức Tôn Sư và đại chúng. Ông già Bakkula đảnh lễ đức Phật rồi đi lo công chuyện, sau đó, được đức Phật cho thọ đại giới với một vài chỉ dạy vắn tắt về định, về tuệ. Lão tân tỳ-khưu này tiếp thu rất nhanh, lại còn nguyện thọ thêm một số pháp đầu-đà như: Chỉ trì bình khất thực và thọ dụng trong bát; không nhận y hoặc vật thực do thí chủ cúng dường; chỉ ngủ ngồi, không dựa lưng dù chỉ một tấm ván, sống hạnh độc cư không giao tiếp với ai... Đại chúng lại bàn tán sôi nổi, không hiểu tại sao thuở trước ông nằm trong bụng cá mà lại không chết? Tại sao đã tám mươi tuổi rồi, xin xuất gia mà đức Phật vẫn mỉm cười và cho xuất gia? Hẳn là có nhân, có duyên nhiệm mầu nào? Để phá tan mối nghi ấy, đức Phật giảng: - Kiếp cuối cùng của một bậc A-la-hán không có một năng lực gì đoạn hoại sự sống của vị ấy được. Như ngọn đèn trong chiếc ghè, nó leo lét cháy nhưng không một ngọn gió nào, một năng lực nào có thể làm tắt được. Cậu bé Bakkula nằm trong trường hợp ấy. Và ông ta còn có nhân duyên đặc biệt hy hữu khác nữa... để kiếp này, suốt đời không nhức đầu, sổ mũi, không ho hen, cảm mạo, không bệnh tật, ốm đau; và có tuổi thọ vượt quá một trăm năm ước định của đời người! Thấy ai cũng háo hức muốn nghe, đức Phật kể: - Từ thời đức Phật Anomadassī, là một bà-la-môn có gia sản lớn, rất giỏi về y dược, nhưng ông ta đã xả bỏ tất cả, lên non sống đời xuất gia đạo sĩ. Nhờ có thiền chứng và thắng trí, biết được đã có một đức Chánh Đẳng Giác ra đời nên đạo sĩ tìm đến nghe pháp, quy y rồi xin được xuất gia. Nhưng đức Thế Tôn bảo:“Xuất gia thì ông chưa đủ duyên nhưng ông lại có việc làm khác mà không ai có thể thay thế ông được! ” Hôm kia, đức Phật Anomadassī bị bệnh đau bụng, đạo sĩ mang thuốc đến cúng dường. Chỉ một liều thuốc nhỏ, đức Phật khỏi bệnh, ngài mới nói: “Một đức Chánh Đẳng Giác ra đời, thường có một vị đại lương y xuất hiện. Và ông chính là người ấy!” Thế rồi, vị đạo sĩ tận tình chăm sóc sức khỏe cho đức Tôn Sư và đại chúng tỳ-khưu! Với công đức ấy, đạo sĩ sanh lên phạm thiên giới(1), rồi luân phiên cõi người và cõi trời với phước báu sang cả, thù thắng. Đến đời vị Phật tiếp theo, tức là đức Thế Tôn Padumuttara, vị ấy sinh ra trong một gia đình cự phú tại Hamsavatī. Trong một lần nghe pháp, thấy đức Thế Tôn tán thán biểu dương công hạnh của một vị tỳ-khưu, thù thắng hơn tất thảy vị tỳ-khưu khác do nhờ kiếp trước làm thầy thuốc, cúng dường thuốc men đến đức Phật và đại chúng nên kiếp này được trường thọ, vô bệnh. Rất thỏa thích và hoan hỷ, vị cự phú khởi tâm cúng dường tứ sự, nhất là thuốc men đến đức Phật và chư tăngi trong suốt bảy ngày với lời nguyện: “- Xin cho vào thời Phật vị lai, tôi sẽ được làm một vị Thanh Văn đệ nhất vô bệnh và được trường thọ y như vị tỳ-khưu ấy!” Đến đời Phật Vipassī, Phật Kassapa, ông vẫn thực hiện những công hạnh cũ, lại còn làm một người cận sự nam nhiệt tình xây dựng các trú xá, hộ độ Tam Bảo suốt cả cuộc đời. Bây giờ, đến thời của Như Lai, Bakkula sinh ra tại Kosambī... và câu chuyện như thế nào thì mọi người đều đã nghe thấy. Tuy nhiên, đức Phật chưa tiết lộ, là do nhân duyên đặc biệt như vậy, nên Bakkula, sau khi xuất gia, chỉ sống với phàm phu tánh có bảy ngày, rạng ngày thứ tám, lão tăng đắc quả A-la-hán. Và sau này, ông ta sẽ thọ đến một trăm sáu mươi tuổi! Quả đúng là một vị tỳ-khưu “vị tằng hữu!”(1) ---------------------------------------- (1) Có lẽ có tu tập định. (1) Nghĩa là “chưa từng có”. ---------------------------------------- Theo: MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT TẬP 3 Minh Đức Triều Tâm Ảnh Nhà xuất bản Văn Học 2014 __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #12 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | Vesāli Thiên Tai, Dịch Hoạ Qua tháng thứ hai an cư, xảy ra một biến cố. Chuyện là, miền Nam sông Gaṅgā trời đổ mưa liên tục từ ngày này sang ngày khác; nhưng suốt bốn năm tháng nay, phía Bắc lại không có một giọt mưa. Thế là một thảm họa đổ xuống các tiểu bang ở đây, nhất là kinh thành Vesāli: Đất đai nứt nẻ, đồng ruộng, nương vườn khô cháy; mùa màng thất bát, lúa gạo dự trữ không đủ sức cầm hơi, rau cỏ không có mà ăn. Thế là đói khát trầm trọng (dubbhikkhan-tarakappa) xảy ra. Đó là nạn thứ nhất. Vì đói nên người chết rất nhiều, người sống không còn đủ sức mang xác ra nghĩa địa hoặc hỏa thiêu; họ chỉ việc quăng xác ra ngoại thành, mùi hôi thối tỏa khắp mọi nơi. Ác dạ-xoa lộng hành quậy phá làm khổ dân chúng. Đó là nạn thứ hai. Vì xác chết, vì hôi thối nên dịch bệnh lan tràn; nhất là bệnh đường ruột, bao tử (vì gặp cái gì ăn được là ăn), bệnh dịch tả (các nguồn nước cạn kiệt bị ô nhiễm) càng làm cho người chết nhiều thêm nữa. Đó là nạn thứ ba! Các đức vua và hội đồng tướng lãnh các tiểu bang cộng hòa cấp tốc hội họp, đề cử một viên đại thần, tên là Mahāli - vốn là thân hữu của đức vua Seniya Bimbisāra – làm trưởng đoàn sứ giả, mang lễ phẩm trọng hậu đến Rājagaha, nhờ đức vua giúp đỡ, trình lên đức Phật, mong ngài đến tiểu bang Licchavī, kinh thành Vesāli để cứu khổ cho muôn dân. Đức vua không dám nhận hậu tình, bảo rằng đoàn sứ giả nên đến đảnh lễ đức Phật, dâng lễ phẩm và tường trình mọi sự lên ngài, hiện ngài đang an cư ở Trúc Lâm với đại chúng tỳ-khưu! Tôn giả Mahā Moggallāna đứng một bên, sau khi nghe viên đại thần Mahāli trình bày ba thảm nạn tại Vesāli, rồi khẩn cầu đức Phật giải họa, tự nghĩ: “Trong con mắt của thế gian, đức Thế Tôn không những thuyết giáo con đường giác ngộ, giải thoát – mà bây giờ ngài còn là một bậc Đại Siêu Nhân (Mahāpurisa), có thể có khả năng điều động thiên nhiên, kêu gió gọi mưa như các bà-la-môn phù thủy! Tuy nhiên, không những đức Tôn Sư làm được, mà các vị thượng thủ A-la-hán cũng làm được. Đấy chỉ là sự vận hành tâm-sinh-vật lý tương quan, tương tác lẫn nhau! Trong trường hợp này, năng lực của tâm là tăng thượng – có thể dẫn dắt, điều động các năng lực khác!” Đức Phật đã sớm biết chuyện này, ngài nói: - Các ông hãy về đi! Như Lai và hội chúng năm trăm tỳ-khưu sẽ đến Vesāli trong mươi, mười mấy hôm nữa! Như Lai đã có duyên với hoàng tộc Licchavī và dân chúng Vesāli – thì Như Lai sẽ cố gắng trong khả năng của mình! Lúc phái đoàn sứ giả ra về rồi, Đức Phật nói chuyện với vị đại đệ tử: - Này Moggallāna! Ông nghĩ đúng đấy! Tuy nhiên, ba thảm nạn của Vesāli xảy ra là do ba nguyên nhân tương tác lẫn nhau: Thứ nhất là do nắng nóng khô hạn, thứ hai là do ác pháp phát sanh từ các người lãnh đạo, thứ ba là do chư thiên, thiện thần, thiện dạ-xoa bỏ đi. Bây giờ, ông hãy gọi Ānanda đến đây! Sau khi có mặt cả hai vị, đức Phật nói: - Ānanda có trí nhớ rất tốt, vậy phải học bài kinh uy lực của Tam Bảo mà Như Lai sẽ đọc sau đây, nó có tên là Ratanasutta; sau khi thuộc rồi, ông hãy lựa chọn mấy trăm vị tỳ-khưu còn trẻ, trí nhớ tốt, tức tốc dạy cho họ học thuộc bài kinh ấy! Còn Moggallāna thì vào hoàng cung, gặp đức vua Seniya Bimbisāra, gợi ý là nên hỗ trợ cho Vesāli trong lúc đói kém, khoảng chừng một ngàn xe lương thực; và đức vua cũng nên cử quan đại thần và quân đội đích thân vận chuyển; chuẩn bị xong lúc nào là lên đường ngay lúc ấy; cứu đói như cứu lửa - phước báu sẽ rất lớn; và nhờ thế, tâm đức của đức vua sẽ sáng chói và lan rộng khắp cả châu Diêm-phù-đề! Cũng trình với đức vua là cho Jīvaka Komārabhacca, các trợ lý lương y, nhân viên cùng thuốc men để trị bệnh dịch tả cùng những biến chứng về bao tử, đường ruột... Đại đức Ānanda làm trọn phận sự của mình, có năm trăm tỳ-khưu cùng học thuộc lòng. Còn đức vua Seniya Bimbisāra thì sẵn sàng hoan hỷ đáp ứng gợi ý thích đáng ấy; và còn hơn thế nữa - do mùa màng đất nước này bội thu - nên đã trợ cấp hào sảng hai ngàn xe lương thực để cứu đói. Lại còn rộng lượng cho vay thêm một ngàn tấn lương thực nữa, thời gian trả, không hạn định; lúc nào mùa màng bội thu, phú túc hẵng sẽ trả sau, không lấy lãi! Thế rồi, đức Phật, mấy chục vị trưởng lão, năm trăm tỳ-khưu và phái đoàn cứu tế rầm rộ lên đường. Bảy ngày sau, đến sông Gaṅgā, tại thị trấn Pāṭaligama, đức vua đã cho chuẩn bị sẵn năm mươi chiếc thuyền lớn để chở phái đoàn và lương thực. Đang mùa mưa nên nước cuồn cuộn tràn bờ, nhờ thuyền lớn nên xuôi đông nhẹ nhàng; đến ngã ba sông, đoàn thuyền bỏ sông Gaṅgā, theo nhánh sông Gaṇdak(?) tiến lên phương bắc. Hai bên bờ, đồng khô cỏ cháy trông thật tang thương. Càng đến gần Vesāli chừng nào thì thuyền đi càng chậm vì sông cạn, lại lềnh bềnh tử thi và rác rưởi. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Ròng rã ba ngày, đoàn thuyền khá gian lao, vất vả mới đến được bến nước – giang khẩu vào kinh thành Vesāli! Khi đức Phật vừa đặt chân lên bờ đông nước cộng hòa Licchavī - thì một trận mưa rất lớn, tối trời tối đất – như tự cổng trời mở ra, xối xả đổ xuống vùng đất đại hạn như đã chờ đợi đâu từ lâu lắm!(1) Trận mưa lớn kéo dài nửa ngày, bao nhiêu xú uế tan mất. Nhân dân khắp nơi tràn ra đường, vui mừng hò reo, hát ca, nhảy múa... Các đức vua, hội đồng tướng lãnh, quý tộc đến sụp lạy bên chân đức Phật - nghẹn ngào tri ân, chảy nước mắt, không nói được nên lời! Đức Phật, phái đoàn và ba ngàn xe lương thực vào thành. Dân chúng quỳ lạy hai bên đường... Tôn giả Mahā Moggallāna nhanh trí, hướng dẫn quan đại thần của đức vua Seniya Bimbisāra đến bàn tính ngay với giới cấp lãnh đạo kinh thành Vesāli, làm gấp ba việc: Phân phối lương thực, bố trí ngay chừng hai mươi địa điểm, do chiến sĩ phụ trách để cứu đói rộng rãi cho dân chúng. Nhóm chiến sĩ khác cùng với thanh niên tình nguyện rải khắp các nơi, chôn lấp hoặc thiêu đốt tất cả tử thi còn lại. Bố trí một quảng trường và những dãy nhà có mái che, có sạp nằm để phái đoàn lương y do quan trưởng ngự y Jīvaka Komārabhacca dẫn đạo - chữa bệnh cho dân! Thanh niên Saccaka thấy đức Phật như một vị cứu tinh trên trời hiện xuống cứu giúp muôn dân nên huy động cả ngàn con em quý tộc tham gia hăng hái việc này việc kia chung với phái đoàn cứu tế. Đêm xuống, dưới ánh đuốc chập chờn, đại đức Ānanda dẫn đầu năm trăm tỳ-khưu đi quanh thành Vesāli ba vòng, tụng bài kinh Ratanasutta suốt đêm không ngủ... “- Yān’īdha bhūtāni samāgatāni Bhummāni vā yāni’va antaḷikkhe Sabbe’va bhūtā sumanā bhavantu Atho’pi sakkacca suṇantu bhāsitaṃ... ... Phàm chúng thiên nhơn nào Cư ngụ trên địa cầu Hoặc hư không trú xứ Đã vân tập về đây Phát sanh lòng hoan hỷ Chánh tâm và thành ý Lắng nghe lời dạy này Tất cả chúng thiên nhơn Hãy bi mẫn đồng tâm Lòng từ luôn rộng mở Năng chuyên cần gia hộ Đối với nữ nam nào Ngày đêm thường bố thí Phàm những tài sản gì Đời này hoặc đời sau Ngọc báu hay trân châu Có cùng khắp thiên giới Nhưng chẳng gì sánh nổi Đức Thiện Thệ Như Lai Chính Phật Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Ly dục, diệt phiền não Pháp diệu thù bất tử Phật Thích-ca Mâu-ni Đắc Tịch tịnh, Vô vi Trong Thiền, chứng ngộ Pháp Chẳng pháp nào sánh nổi Chính Pháp Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Bậc Vô thượng Chánh Giác Hằng ca ngợi Pháp Thiền Trong sạch, không gián đoạn Chẳng Thiền nào sánh nổi Chính Pháp Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Thánh bốn đôi, tám vị Bậc thiện hằng tán dương Đệ tử đấng Thiện Thệ Xứng đáng được cúng dường Bố thí các vị ấy Được kết quả vô lượng Chính Tăng Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Các ngài tâm kiên cố Ly dục sống Thánh Đạo Khéo chơn chánh thiện hành Lời Phật Gotama Chứng đạt được quả vị Thể nhập đạo Bất Tử Hưởng tịch tịnh dễ dàng Chính Tăng Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Ví như cột trụ đá Khéo y tựa lòng đất Dầu gió bão bốn phương Chẳng thể nào lay động Ta nói bậc Chơn Nhơn Liễu ngộ Tứ thánh đế Cũng tự tại, bất động Trước Tám pháp thế gian Chính Tăng Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Bậc Thánh Tu-đà-hoàn Thấy rõ lý Tứ đế Mà đức Chuyển pháp vương Có trí tuệ thậm thâm Đã khéo giảng, khéo dạy Các ngài dù phóng dật Cũng chẳng thể tái sinh Nhiều hơn trong bảy kiếp Chính Tăng Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Nhờ vững chắc chánh kiến Nhờ kiên cố chánh tri Đoạn lìa ba trói buộc Là Thân kiến, Hoài nghi Luôn cả Giới cấm thủ Ra khỏi bốn đọa xứ Không tạo sáu trọng nghiệp Chính Tăng Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Bậc Thánh Tu-đà-hoàn Dẫu vô tâm phạm lỗi Bằng ý, lời hay thân Chẳng bao giờ khuất lấp Bởi vì đức tánh này Được gọi là “thấy Pháp” Chính Tăng Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Ví như cây trong rừng Đâm chồi đầu mùa hạ Cũng vậy, đức Thế Tôn Thuyết giảng pháp Siêu việt Pháp đưa đến Niết-bàn Tối thượng, vô năng thắng Chính Phật Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Đức Phật - bậc Vô thượng Liễu thông pháp Vô thượng Ban bố pháp Vô thượng Chuyển đạt pháp Vô thượng Chính Phật Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Nghiệp cũ đã chấm dứt Nghiệp mới không tạo nên Nhàm chán kiếp lai sanh Chủng tử, dục diệt tận Ví như ngọn đèn tắt Bậc trí chứng Niết-bàn Chính Tăng Bảo như vậy Là châu báu thù diệu Mong với sự thật này Được sống chơn hạnh phúc Phàm chúng thiên nhơn nào Cư ngụ trên địa cầu Hoặc hư không trú xứ Đã vân tập về đây Xin đồng tâm hoan hỷ Thành kính đảnh lễ Phật Đã như thật xuất hiện Mà chư thiên, loài người Thường cúng dường, tôn trọng Mong với hạnh lành này Được sống chơn hạnh phúc Phàm chúng thiên nhơn nào Cư ngụ trên địa cầu Hoặc hư không trú xứ Đã vân tập về đây Xin đồng tâm hoan hỷ Thành kính đảnh lễ Pháp Đã như thật xuất hiện Mà chư thiên, loài người Thường cúng dường, tôn trọng Mong với hạnh lành này Được sống chơn hạnh phúc Phàm chúng thiên nhơn nào Cư ngụ trên địa cầu Hoặc hư không trú xứ Đã vân tập về đây Xin đồng tâm hoan hỷ Thành kính đảnh lễ Tăng Đã như thật xuất hiện Mà chư thiên, loài người Thường cúng dường, tôn trọng Mong với hạnh lành này Được sống chơn hạnh phúc... Ôi! Bài kinh với âm giọng của năm trăm vị tỳ-khưu đồng cất lên suốt đêm trường, thật là trầm hùng khôn tả. Cả không gian rung rinh, chao đảo. Cả đất trời Vesāli như chìm ngập giữa biển âm thanh thẳm sâu, cao diệu... Chư thiên vân tập đầy đặc cả không gian, thành kính lắng nghe kinh rồi cất lên lời đại nguyện hộ trì Tam Bảo và hộ trì quốc độ - nếu các đức vua và hội đồng tướng lãnh sống theo chánh pháp. Ngày hôm sau, rất nhiều người không hiểu chư tăng đọc mật chú gì mà có uy lực kinh khiếp như vậy? Nó làm cho toàn bộ nhân dân kinh thành phải kính cẩn lắng nghe - tất thảy lo âu, sợ hãi đều tiêu tan – không những trong lòng người mà cả không gian xung quanh cũng cảm giác cả một bầu khí thanh bình và an lạc! Các vị trưởng lão và các vị A-la-hán có trí, phải giải thích: - Chẳng phải là huyền chú, mật chú gì đâu - đấy là bài kinh nói lên uy lực của Tam Bảo. Uy lực ấy lại còn được hội tụ bởi uy lực của năm trăm vị tỳ khưu đọc tụng - tạo thành năng lực của tăng thượng tâm, có thể tác động toàn bộ nội tâm và ngoại giới (tâm-sinh-vật lý) đem đến sự bình yên và mát mẻ cho quốc độ này. Công việc cứu đói, trị bệnh và vệ sinh tẩy uế các nơi kéo dài hơn cả tuần lễ, đâu đó hoàn mãn. Trong thời gian ấy, khi chư tăng về nghỉ ở Mahāvana thì đức Phật thuyết pháp liên tục tại triều đình - hội chúng gồm các đức vua, tướng lãnh, quý tộc, các quan đại thần, trí thức, nhân sĩ, phú hộ, thương gia... tai mắt: Cộng hòa Licchavī, thủ đô là Vesāli; cộng hòa Videha, thủ đô là Mithilā; năm sáu bộ tộc nhỏ liên minh thành liên bang Vajjī... Đức Phật nhấn mạnh về trị quốc an dân, lực lượng võ bị tuy cần thiết nhưng vẫn là thứ yếu; sự thương yêu, đoàn kết để sống trong thiện pháp mới là yếu tố quyết định. Đức Phật triển khai một số thời pháp liên hệ đến chư thiên, phi nhơn ở trong thế giới xung quanh - phải sống làm sao để họ cùng hoan hỷ! Thấm đẫm về hương vị của chánh pháp và thấy rõ oai lực của đức Phật, của hội chúng giáo đoàn - đã giải tan tức khắc ba thảm nạn; họ xin quy giáo rất nhiều và hứa cải cách việc bầu cử chọn lựa các đức vua đức độ, các quý tộc võ tướng hiền tài điều hành và lãnh đạo các nơi... Mấy ngày sau, hội đồng đại biểu nhân dân được triệu tập bằng ba hồi trống, một trong ba quốc vương được ủy nhiệm chủ tọa hội đồng và tổ chức cuộc bầu bán bằng cách đề cử công khai. Chương trình cải cách và những biện pháp thực thi dựa theo chánh pháp được đa phần đại biểu chấp thuận. Đề cương chính sách được thảo luận đã thuyết phục được nhiều người rồi được thực hiện nghiêm túc và nhanh chóng. Vậy là ngay tại Licchavī, mười bốn ngàn võ tướng được chọn lựa để điều hành chừng hai trăm năm mươi ngàn cư dân! Đạo đức của ba quốc vương được đề cao, tán dương; hội đồng tướng lãnh được khen ngợi về khả năng và ý thức trách nhiệm cải thiện đất nước... Từ đó về sau, các nước này bắt đầu thịnh cường, yên ổn trở lại. Các quý tộc Licchavī bắt đầu sống đời giản dị, khiêm tốn – thương dân như anh em! Các vị tướng trẻ không còn hống hách, ăn chơi, ngã mạn – đôi khi họ chỉ ngủ trên nệm cỏ, với võ khí sẵn sàng bên người, có thể vùng dậy bất cứ lúc nào để chăm lo an ninh cho nhân dân! Đức Phật ở lại Vesāli nửa tháng thì dân chúng đã hùn góp, chung tay, chung lực làm xong một công trình lớn: Ngôi Nhà Nóc Nhọn tại Mahāvana để cúng dường lên thập phương Tăng. Hội đồng tướng lãnh, nhân dân và cư sĩ hai hàng thỉnh nguyện đức “Cứu-khổ-cứu-nạn” ở lại; thế nhưng, khi thấy tình hình đã trở nên sáng sủa, tốt đẹp - đức Phật và hội chúng từ giã, trở lại Rājagaha... “Ôi! Cuộc chuyển hóa của đức Tôn Sư thật là vĩ đại” – Các vị trưởng lão đồng khởi lên một ý nghĩ giống nhau như thế! Sau mùa an cư, hầu hết các vị trưởng lão các nơi tìm về Trúc Lâm đảnh lễ đức Phật và tường trình công việc hoằng hóa. Như vậy là giáo pháp đã được lan rộng sang một số tiểu quốc cộng hòa và các liên bang tự trị phía Bắc sông Gaṅgā – nơi nào cũng có cơ sở và có chư tăng thường trú. Riêng các tiểu quốc phía tây nam kinh thành Rājagaha như Kālāma, Kāsi, Vaṃsā... thì còn rất mỏng. Tôn giả Sāriputta và một số các vị trưởng lão ở Kỳ Viên về, cho biết là ở đấy có phát triển nhưng chưa được thuận lợi – do các lực lượng chống đối nổi lên công khai. Họ lại chưa có duyên tiếp cận để thu phục đức vua Pāsenadi và triều đình, có lẽ phải chờ đợi uy lực của đức Phật mà thôi. Đức Phật phủ dụ, trấn an họ. Do các tân tỳ-khưu các nơi khác về rất đông, con số đã lên đến trên dưới hai ngàn – nên các vị trưởng lão giáo thọ phải bộn bề công việc. Các ông hoàng dòng họ Sākya bây giờ đã được nghe nhiều, học nhiều nên nghiễm nhiên phải phụ tá công việc với các vị trưởng lão, làm những chúng trưởng mẫu mực, uy nghi để dẫn dắt cho các hàng môn đệ đi sau. -------------------------------------------------- (1) Tại nhân gian không biết, chứ lúc ấy, thiên chủ Sakka đã huy động Tứ đại thiên vương, thiên binh, thiên tướng, hội chúng rồng, hội chúng dạ-xoa cùng theo hầu đức Phật. Ác thần, ác dạ-xoa sợ hãi trốn đi nơi khác; các thiện thần, thiện dạ-xoa đồng loạt tìm về! ----------------------------------------------------- Theo: MỘT CUỘC ĐỜI MỘT VẦNG NHẬT NGUYỆT TẬP 2 Minh Đức Triều Tâm Ảnh Nhà xuất bản Văn Học 2014 __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #13 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | LÂU ĐÀI CỦA NỮ THÍ CHỦ (BHIKKHÀDÀYIKÀ-VIMÀNA) Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Thời ấy tại Uttaramadhurà có một nữ nhân thọ mạng đã hết và phải tái sanh vào đọa xứ. Vào lúc rạng đông, đức Thế Tôn vừa xuất khỏi định Đại bi, và quán sát thế gian, Ngài thấy nữ nhân ấy. Muốn an trú kẻ ấy vào thiện thú, Ngài ra đi một mình xuống Madhurà vào vùng ngoại ô của thành phố để khất thực. Vừa lúc ấy, bà kia đã chuẩn bị xong thức ăn tại nhà và đặt sang một bên, rồi ra đi với chiếc ghè đến chỗ có nước để tắm. Khi trở về nhà với ghè nước đầy, bà thấy đức Thế Tôn liền thưa: - Có lẽ đức Thế Tôn đã nhận món cúng dường? Đức Thế Tôn bảo: - Ta sẽ nhận. Bà ấy hiểu rằng Ngài chưa nhận món khất thực. Vì thế bà đặt ghè nước xuống, đến gần đức Thế Tôn cung kính đảnh lễ Ngài và thưa: - Bạch Thế Tôn con muốn cúng dường, xin Ngài hãy cho phép con. Đức Thế Tôn đồng ý bằng cách im lặng. Bà ấy biết rằng Ngài đã nhận lời, bèn tiến lên về trước sửa soạn chỗ ngồi ở một nơi đã được rảy nước và quét sạch, xong đứng chờ Ngài đến. Ngài bước vào ngồi xuống. Bà cúng dường Ngài thức ăn và cũng ngồi xuống. Khi thọ thực xong, Ngài rút tay khỏi bình bát và nói lời tùy hỷ công đức, rồi tiếp tục lên đường. Bà ấy nghe Ngài chúc lành, cảm thấy hân hoan hạnh phúc vô cùng, và vì bà không vơi niềm hoan hỷ do đức Phật mang lại, nên bà vẫn đứng cung kính đảnh lễ cho đến khi Ngài đi khuất dạng. Chỉ sau đó vài ngày, bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Bấy giờ Tôn giả Mahà-Moggallàna đang du hành giữa Thiên chúng, thấy Thiên nữ này có đại thần thông và đại oai lực của chư Thiên hiện đang hưởng cảnh vinh quang trên thiên giới, mà ngay cả tri kiến một bậc Giác ngộ cũng không thể xác định được hạn lượng của cảnh ấy. Tôn giả bèn ngâm các vần kệ hỏi về thiện nghiệp công đức mà nàng đã làm. Các vần kệ này cũng giống như trước: 1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm Đang chiếu mười phương với ánh quang, Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng Như vì sao cứu hộ trần gian. 2. Vì sao nàng được sắc như vầy, Vì cớ gì nàng vinh hiển đây, Những lạc thú nào nàng mến chuộng Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay? 3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần, Nàng tạo đức gì giữa thế nhân, Thần lực nàng vì sao rực rỡ, Dung quang chiếu sáng khắp mười phương? 4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn, Được Mục-liên Tôn giả hỏi han, Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp, Và đây là kết quả cho nàng: 5. 6. Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần, Con được làm người giữa thế nhân, Con gặp Phật-đà vô lậu hoặc, An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm, Với Ngài, con có lòng thành tín, Dâng cúng tận tay các món ăn. 7. Vì thế sắc con đẹp thế này, Và con vinh hiển ở nơi đây, Bất kỳ lạc thú nào trong dạ Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay. 8. Xin trình Tôn giả đại oai thần Công đức con làm giữa thế nhân, Vì thế oai nghi con rực rỡ, Dung quang chiếu sáng khắp mười phương. ---------------------------------- Trích: Thiên Cung Sự Trần Phương Lan dịch __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #14 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | ÐỨC PHẬT CẢM THẮNG DẠ XOA ÀLAVAKA Ðức Phật cảm thắng dạ xoa Àlavaka rất hung ác, hơn cả Ác Ma Thiên, nhờ pháp nhẫn nại. Dạ xoa Àlavaka thuộc bộ hạ của vua trời Kuvera (một trong Tứ đại thiên vương cai trị chúng dạ xoa ở về phương Bắc). Dạ xoa Àlavaka rất hung ác, tàn bạo, ăn thịt người, lại có nhiều phép mầu cực kỳ nguy hiểm hơn cả Ác Ma Thiên. Ðức Phật cảm thắng dạ xoa Àlavaka trong trường hợp đặc biệt, dạ xoa Àlavaka chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. Tóm lược bài Kinh Àlavakasutta (Khuddakanikàya, Bộ Suttanipàta, kinh Àlavakasutta) và Chú giải những sự kiện xảy ra trước khi Ðức Phật thuyết bài kinh này: -- Một hôm, Ðức vua Àlavaka[*] trị vì tại xứ Àlavi dẫn quân vào rừng, để tiểu trừ bọn cướp cùng những kẻ thù nguy hiểm đang ẩn náu ở đây. Trên đường trở về kinh, Ðức vua cho đoàn quân nghỉ chân rồi truyền lệnh: - Tất cả chúng ta đều phải đi săn nai! Nhưng Trẫm ra lệnh hễ nai chạy về phía người nào thì người ấy phải có trách nhiệm bắt cho kỳ được, cả Trẫm cũng vậy. [*] Có ba nhân vật trùng tên: Àlavaka yakkha: Dạ xoa Àlavaka Àlavaka ràjà: Ðức vua Àlavaka trị vì xứ Àlavi. Àlavaka kumàra: Thái tử Àlavaka con của Ðức vua Àlavaka. Cả đoàn quân rất thích thú mang cung tên, đao kiếm... kéo nhau vào rừng, chia ra mỗi người mỗi ngã. Ðức vua cũng một mình mang kiếm đi một đường, chợt một con nai to lớn chạy ngang, Ðức vua cố gắng hết sức rượt đuổi theo đến ba do tuần, nai kiệt sức bị bắt, còn Ðức vua cũng mệt lả ghé lại gốc cây Ða rậm rạp có bóng mát ngồi nghỉ. Tại cây Ða ấy, có lâu đài nguy nga lộng lẫy, là nơi thường trú ngụ của dạ xoa Àlavaka có nhiều oai lực; được Ðức vua Kuvera cho phép: Buổi trưa, nửa ngày đúng giờ ngọ, hễ có ai đi vào trong bóng mát dưới gốc cây Ða này, thì dạ xoa được phép bắt để ăn thịt, còn ở ngoài ranh giới ấy thì dạ xoa không có quyền bắt ai ăn thịt. Vì vậy, khi thấy Ðức vua ngồi nghỉ trưa dưới bóng mát cây Ða trong phạm vi cho phép, dạ xoa Àlavaka từ lâu đài (lâu đài của dạ xoa phát sanh là do phước báu của chư thiên. Do đó, các hàng chư thiên có thiên nhãn mới nhìn thấy được. Ðối với loài người, chỉ có hạng người đắc thiên nhãn thông mới có thể nhìn thấy, còn mắt thường không thể nhìn thấy) hiện xuống định bắt Ðức vua để ăn thịt. Ðức vua hoảng hốt khi thấy một hạng phi nhân hình thù khác lạ từ đâu xuất hiện, đòi bắt mình để ăn thịt. - Ngươi là ai? Từ đâu đến mà dám bắt ta để ăn thịt. - Ðức vua hỏi. - Ta là dạ xoa Àlavaka, nơi đây là lâu đài của ta, ngươi đã vào trong phạm vi và thời gian cho phép, vậy bắt ngươi để ăn thịt là hợp lệ. Ðức vua bừng tỉnh lại mới biết đây là dạ xoa ăn thịt người, bèn cam kết với dạ xoa rằng: - Ta là vua trị vì xứ Àlavi này, ngươi hãy tha mạng sống cho ta, thì mỗi ngày ta sẽ nộp cho ngươi một mạng người để ăn thịt. Dạ xoa nói: - Nếu ta tha cho nhà ngươi, nhà ngươi không giữ lời cam kết thì ta có gì ăn để sống, bởi ta chỉ được phép ăn thịt người nào, đi vào bóng mát cây Ða lúc buổi trưa mà thôi. Vì vậy, ta không thể tha mạng cho nhà ngươi được. Ðức vua khẩn khoản cam kết chắc chắn một lần nữa: - Nếu ngày nào ta không nộp người cho ngươi để ăn thịt, thì ngày ấy ngươi hãy bắt ta mà ăn thịt. Dạ xoa Àlavaka chấp thuận buông tha, Ðức vua mới hoàn hồn trở lại và quay về chỗ quan quân đang chờ. Các quan quân đón rước khi nhìn thấy Ðức vua bèn tâu rằng: - Tâu bệ hạ, chúng thần thấy bệ hạ có vẻ không vui, chẳng hay có việc gì xảy ra khiến cho bệ hạ phải lo âu? Ðức vua thuật lại sự việc xảy ra với dạ xoa Àlavaka rồi cùng các quan quân trở lại kinh thành. Ðức vua truyền lệnh gọi viên quan cai ngục ở trong thành đến và cho biết rằng: - Này khanh, trẫm đã cam kết với dạ xoa Àlavaka rằng, mỗi ngày đem nộp cho y một mạng người để y ăn thịt. Vậy khanh hãy bắt tử tù đem nộp cho y. - Tâu bệ hạ, hạ thần xin vâng lệnh, hạ thần muốn biết thời gian hạn định bao lâu. - Không, lời cam kết của trẫm không có hạn định thời gian. - Ðức vua trả lời. - Tâu bệ hạ, không hạn định thời gian, dân chúng sẽ bị khổ sở. Nhưng bệ hạ hãy an tâm, để hạ thần lo liệu việc này. NỘP NGƯỜI CHO DẠ XOA Kể từ sáng hôm sau, mỗi ngày viên quan cai ngục bắt một tử tù trói chặt rồi truyền quân lính đem đến nộp cho dạ xoa ăn thịt. Qua một thời gian, nhóm người tử tù đã hết, đến lượt nhóm tù chung thân khổ sai, cho đến nhóm tù giam, cuối cùng trong ngục không còn một tù nhân nào cả. Vì dân chúng trong nước nghe tin Ðức vua truyền lệnh đem nộp tù nhân cho dạ xoa Àlavaka ăn thịt, cho nên không ai dám phạm pháp. Bấy giờ, tù nhân cũ không còn, tù nhân mới không có, viên quan cai ngục tâu việc này lên Ðức vua. Ðức vua truyền triệu tập bá quan văn võ hỏi xem ai có mưu kế nào hay để giải quyết. Một vị quan hiến kế: - Tâu bệ hạ, nên cho lính rải vàng bạc ngoài đường phố rồi canh chừng, hễ ai tham lam nhặt lấy của ấy, luật triều đình sẽ bắt tội. Ðức vua chấp thuận. Cho đến lúc vàng bạc rải khắp mọi nơi mà chẳng có ai dám đụng đến. Một vị quan cho ý kiến: - Tâu bệ hạ, trong quốc độ ta có nhiều người già yếu, bệnh hoạn ốm đau, chẳng bao lâu họ cũng phải chết. Vậy, bệ hạ truyền bắt lần lượt họ mà nộp cho dạ xoa ăn thịt, có nên chăng? Các vị quan khác phản đối, vì cho rằng con cháu rất thương yêu kính mến ông bà, cha mẹ. Nếu chúng ta bắt người già nộp cho dạ xoa ăn thịt, thì con cháu chắc chắn sẽ nổi loạn. Chính Ðức vua cũng không chấp thuận ý kiến này. Một vị quan khác tâu: - Tâu bệ hạ, nên bắt những đứa trẻ còn nằm trong nôi, chúng còn nhỏ chưa biết gì. Ý kiến này được Ðức vua chấp thuận. Thế là kể từ ngày ấy, Ðức vua truyền lệnh bắt trẻ con đem nộp cho dạ xoa Àlavaka ăn thịt. Dân chúng biết tin này, những bà mẹ bồng con của mình đi lánh nạn sang nước láng giềng và những bà mẹ mang thai cũng trốn ra khỏi nước để sanh con khôn lớn mới dám trở về. Tình trạng bắt trẻ con đem nộp cho dạ xoa Àlavaka ăn thịt kéo dài suốt 12 năm, gây bao nhiêu cảnh đau thương tang tóc cho những bậc cha, mẹ. Một ngày kia, quân lính đã tìm khắp trong nước mà không còn thấy một đứa trẻ nào nữa, các quan tâu lên Ðức vua: - Tâu bệ hạ, trong nước cũng như trong kinh thành không còn một đứa trẻ nào ngoài Thái tử Àlavaka, con của bệ hạ. Ðức vua bảo rằng: "Thái tử là một đứa con yêu quý của trẫm, nhưng trẫm lại là người yêu quý nhất trên đời. Ngoài trẫm ra, chẳng còn ai đáng yêu quý hơn. Vậy các khanh hãy bắt Thái tử con của trẫm để đem nộp cho dạ xoa Àlavaka ăn thịt ngày mai". Các cô thị nữ vừa mới tắm rửa cho Thái tử Àlavaka sạch sẽ, thoa bột thơm, xức hương hoa, thay y phục trang điểm đẹp đẽ xong, bồng Thái tử đến trao cho Hoàng hậu. Hoàng hậu cảm thấy vô cùng hạnh phúc, bồng hoàng nhi đặt lên bắp vế, nâng niu hôn đứa con yêu quý. Ðúng lúc đó, nhóm quân lính theo lệnh của Ðức vua bắt Thái tử để đem nộp cho dạ xoa ăn thịt ngày mai. Biết vậy, Hoàng hậu ngất xỉu, các cô thị nữ thương tiếc Thái tử nên khóc than kêu gào. Nhưng lệnh vua là lệnh trời, nào ai dám không tuân! Ôi, ngày mai Thái tử Àlavakakumara sẽ trở thành vật thực của dạ xoa Àlavaka! ÐỨC PHẬT CẢM THẮNG DẠ XOA ÀLAVAKA Ngày hôm ấy vào canh ba, lúc chưa hừng đông, Ðức Thế Tôn nhập đại bi định ở Gandhakuti chùa Jetavana. Xả định, Ngài quán xét bằng Phật nhãn xem chúng sinh nào có duyên lành nên tế độ. Ngài nhìn thấy Thái tử Àlavakakumàra có duyên lành, kiếp hiện tại này chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai (Anàgàmi) và dạ xoa Àlavakayakkha khi nghe giải đáp những câu hỏi xong cũng sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu (Sotàpanna), cùng với 84.000 chúng sinh chư thiên, Phạm thiên chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả tuỳ theo pháp hạnh ba la mật của mình. Sáng hôm ấy, Ðức Phật đi khất thực như mọi ngày. Sau khi độ ngọ xong, Ngài chỉ một mình từ xứ Sàvatthi ngự đến xứ Àlavi cách xa ba do tuần, đến lâu đài của dạ xoa Àlavaka rất nguy nga tráng lệ ở tại cây Ða vào lúc chiều tối. Lâu đài của chư thiên ở sáu cõi trời Dục giới được thành tựu do quả báu của phước thiện, lâu đài của dạ xoa Àlavaka thuộc cõi trời Tứ đại thiên vương cũng như vậy; thường chư thiên có sắc thân rất vi tế, mắt người không thể nhìn thấy được; chỉ khi nào chư thiên, dạ xoa biến hoá ra sắc thân thô, thì mắt thường của con người mới có thể nhìn thấy được. Ðức Phật ngự đến trước lâu đài của dạ xoa Àlavaka lúc hoàng hôn, dạ xoa Àlavaka chủ nhân của lâu đài đi vắng, y đã đi dự đại hội dạ xoa ở núi Himavanta, dạ xoa gác cửa tên là Gadrabha nhìn thấy Ðức Phật, cung kính đảnh lễ Ngài rồi bạch rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, trời đã chiều tối rồi, Ðức Thế Tôn có việc gì mà đến đây vào lúc phi thời như vậy. Bạch Ngài? - Này Gadrabha, dĩ nhiên là Như Lai có việc, nếu con cảm thấy không có gì làm phiền phức, thì con có thể để cho Như Lai nghỉ nhờ một đêm ở lâu đài của dạ xoa Àlavaka này có được chăng? Dạ xoa Gadrabha thành kính bạch rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, đối với con là người có đức tin trong sạch nơi Ngài, do đó, không có gì gọi là phiền phức cả. Nhưng Àlavaka, chủ của con không có đức tin nơi Tam bảo, y có tánh hung ác tàn bạo, cứng đầu, khó dạy, có tánh kiêu căng, ngã mạn, không biết cung kính những bậc đáng cung kính, thậm chí ngay chính cha mẹ của y, y cũng không kính trọng thì nói gì đến Sa môn và Bà la môn khác. Vì vậy, con kính xin Ðức Thế Tôn không nên nghỉ lại ở lâu đài này. Lần thứ nhì, Ðức Phật dạy: - Này Gadrabha, Như Lai đã biết rõ dạ xoa Àlavaka có tánh hung ác, tàn bạo... nhưng chắc chắn sẽ không hại đến Như Lai đâu. Nếu con cảm thấy không có gì làm phiền phức, thì con có thể để cho Như Lai nghỉ nhờ một đêm ở đây để cảm hoá dạ xoa Àlavaka có được không? Dạ xoa Gadrabha còn có chút lo ngại, nên cung kính bạch Ðức Thế Tôn: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, Àlavaka rất hung ác, tàn nhẫn, thường nóng giận kinh khủng, đã có các Sa môn, Bà la môn đến nơi này làm cho y không hài lòng, y đều móc trái tim của họ, cầm đôi chân ném xuống đại dương. Vì vậy, con kính xin Ðức Thế Tôn không nên nghỉ lại ở lâu đài này. Lần thứ ba, Ðức Thế Tôn dạy: - Này Gadrabha, Như Lai cũng đã biết rõ dạ xoa Àlavaka là như vậy, nhưng Dạ xoa Àlavaka chắc chắn chẳng bao giờ làm hại được Như Lai đâu! Nếu con cảm thấy không có gì làm phiền phức, thì con có thể để cho Như Lai nghỉ nhờ một đêm ở lâu đài dạ xoa Àlavaka này có được không? Dạ xoa Gadrabha an tâm, chắc chắn dạ xoa Àlavaka không thể nào làm hại Ðức Thế Tôn, còn về phần mình thì lo không toàn sanh mạng nên bạch Ðức Thế Tôn rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, như vậy, để con đi trình báo ngay cho Àlavaka hay tin có Ðức Thế Tôn đến nghỉ ở lâu đài, nếu con không trình báo cho y biết, y sẽ giết chết con ngay. Ðức Phật dạy: - Này Gadrabha, vậy con hãy nên đi trình báo cho Àlavaka biết ngay ! - Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính thỉnh Ðức Thế Tôn ngự vào lâu đài. Dạ xoa Gadrabha đảnh lễ Ðức Thế Tôn xong, xin phép lên đường bay thẳng đến núi Himavanta, để trình báo với dạ xoa Àlavaka về việc Ðức Thế Tôn đang ngự ở lâu đài của y. Ðức Thế Tôn đi vào lâu đài, ngự trên bảo toà cao quý bằng thiên báu của dạ xoa Àlavaka, Ngài phát ra hào quang sáng ngời hơn hẳn các hào quang của chư thiên, Phạm thiên có oai lực bậc nhất cũng không sánh được. Các nữ dạ xoa tỳ thiếp của dạ xoa Àlavaka nhìn thấy Ðức Phật, bảo nhau đến đảnh lễ Ngài xong, họ ngồi một bên lắng nghe Ðức Phật thuyết pháp. Ðức Thế Tôn khuyên dạy các hàng nữ dạ xoa: - Này các con, các con đang hưởng sự an lạc như thế này là do nhờ kiếp trước đã từng làm phước bố thí, giữ giới, biết cung kính lễ bái cúng dường những bậc đáng tôn kính. Nay kiếp hiện tại này cũng nên tạo mọi phước thiện, các con chớ nên có tâm ganh tỵ, bỏn sẻn với mình và người khác, các con phải nên có sự hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi.... Các nữ dạ xoa lắng nghe lời dạy của Ðức Phật xong vô cùng hoan hỷ. Lúc ấy có hai dạ xoa Sàtàgira và Hemavata, là những dạ xoa có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, chúng rủ nhau cùng đến hầu Ðức Thế Tôn tại chùa Jetavana, rồi mới đi dự đại hội tại núi Himavanta. Lúc đang vân hành trên không, khi gần đến lâu đài của dạ xoa Àlavaka, cả hai đều bị rơi xuống đất. Ngạc nhiên, chúng tìm hiểu nguyên nhân, liền biết ngay có Ðức Thế Tôn đang ngự tại lâu đài của dạ xoa Àlavaka. Bởi vì, nơi nào có Ðức Phật đang ngự, nơi ấy không có một chư thiên, Phạm thiên, Sa môn, Bà la môn... nào có thể bay ngang qua được. Hai dạ xoa hoan hỷ đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, lắng nghe lời khuyên dạy xong, chúng xin phép Ngài đi dự đại hội dạ xoa tại núi Himavanta. Ðến Himavanta, giữa hàng ngàn dạ xoa từ mọi nơi tụ hội, cả hai thấy dạ xoa Àlavaka đang giận dữ la mắng dạ xoa Gadrabha là đã tự ý cho khách lạ đến lâu đài của y, dạ xoa Gadrabha sợ run không nói một lời nào. Hai Dạ xoa Sàtàgina và Hemavata đến gặp dạ xoa Àlavaka nói rằng: - Này Àlavaka, thật là đại phước cho ngươi có Ðức Thế Tôn đang ngự tại lâu đài của ngươi, ngươi nên mau về hầu Ngài. Dạ xoa Àlavaka đã tức giận lại càng thêm giận hơn, quát lớn lên. - Ðức Thế Tôn ấy là ai, lại cả gan dám đến lâu đài, ngự trên bảo tọa của ta chứ. - Này Àlavaka, Ðức Thế Tôn là vị Tôn Sư của chúng ta, ngươi không biết thật hay sao? Dạ xoa Àlavaka biết rõ về Ðức Thế Tôn nhưng vì quá giận dữ nên trả lời: - Ta không biết, ta không thấy. - Này Àlavaka, dầu ngươi giả bộ không biết, không thấy, Ðức Thế Tôn vẫn là bậc Tối thượng trong tam giới, là bậc Thầy của chư thiên, Phạm thiên và nhân loại. Còn ngươi chỉ là dạ xoa kiêu căng, ngã mạn, cứng đầu khó dạy, thần lực của ngươi so với Ðức Thế Tôn cũng như con bê mới sanh, so với bò chúa; cũng như voi con mới sanh, đọ sức với voi chúa; cũng như con chó rừng dơ dáy, dám tranh tài với sư tử chúa; cũng như con quạ gãy cánh, muốn đối đầu với điểu vương Garuda.... Nghe lời mạt sát của hai dạ xoa kia, dạ xoa Àlavaka vô cùng tức giận đến điên cuồng, liền đứng phắt dậy, chân trái đạp tảng đá manosila, chân phải đạp đỉnh núi cao 60 do tuần, ngẩng mặt lên hét lớn: - Ta là Àlavaka! Các ngươi hãy coi, vị Tôn Sư của các ngươi có nhiều oai lực hay ta có nhiều oai lực hơn? Tiếng hét vang rền khắp Nam thiện bộ châu. DẠ XOA ÀLAVAKA DÙNG PHÉP MẦU Dạ xoa Àlavaka lập tức bay về lâu đài của mình, nhìn thấy Ðức Thế Tôn đang ngự trên bảo toạ quý báu của y, tức giận quá đỗi, y hoá một trận cuồng phong dữ dội từ bốn phương thổi tới, trận cuồng phong này còn mạnh hơn gấp bội lần trận cuồng phong của Ác Ma Thiên, có thể phá hủy dãy núi dài và cao hàng do tuần. Ðức Phật nguyện rằng: "Trận cuồng phong này không làm thiệt hại đến sanh mạng và vật nào cả". Quả thật, trận cuồng phong dữ dội kia bị vô hiệu hoá ngay tức khắc, không còn một làn gió nhẹ nào có thể làm lay động chéo y của Ðức Phật. Dạ xoa Àlavaka xiết bao kinh ngạc, sao mà Sa môn Gotama vẫn bình an vô sự như không có chuyện gì xảy đến. Y giận dữ hơn liền hoá trận mưa lớn trở thành bão lũ làm cho núi lở, đất trôi; nhưng đối với Ðức Phật cũng đều vô hiệu ngay tức khắc, trận mưa lớn kia không còn một hạt sương đủ làm thấm chéo y của Ngài. Dạ xoa Àlavaka liền hoá ra trận mưa đá, từng tảng đá nóng như than hồng cháy đỏ từ hư không rơi xuống; nhưng những tảng đá kia đến gần Ðức Phật đã biến thành những đoá hoa trời xinh đẹp vô cùng. Dạ xoa Àlavaka liền hoá ra trận mưa các loại vũ khí sắc bén từ hư không rơi xuống; nhưng các loại vũ khí kia đến gần Ðức Phật biến thành các loại hoa trời muôn màu, muôn sắc. Dạ xoa Àlavaka liền hoá ra trận mưa lửa, những cục than cháy đỏ từ hư không ào ào rơi xuống; nhưng những cục than cháy đỏ kia đến gần Ðức Phật liền biến thành những đoá hoa trời sắc màu xinh đẹp rơi xuống. Dạ xoa Àlavaka liền hoá ra trận mưa tro cực nóng rơi xuống; nhưng mưa tro nóng kia rơi đến gần Ðức Phật đã biến thành bột trầm thơm ngát. Dạ xoa Àlavaka liền hoá ra trận mưa cát mịn cực nóng rơi xuống; nhưng mưa cát mịn kia đến gần Ðức Phật đã trở thành bột thơm toả khắp chung quanh Ngài. Dạ xoa Àlavaka liền hoá ra trận mưa bùn nóng cực độ, nhưng mưa bùn nóng kia đến gần Ðức Phật đã trở thành vật thoa mát dịu rơi xuống. Dạ xoa Àlavaka đã hoá ra tám loại vũ khí cực kỳ nguy hại đến sanh mạng, nhưng tất cả đều vô hiệu hoá, không sát hại được Ðức Phật mà cũng không xua đuổi được Ðức Phật ra khỏi lâu đài của y. Cuối cùng, dạ xoa Àlavaka làm cho không gian tối đen như mực với hy vọng Ðức Thế Tôn sẽ kinh sợ mà rời đi ra khỏi lâu đài; nhưng màn tối tăm mù mịt kia chợt tan biến ngay, khi chạm phải ánh sáng hào quang của Ðức Phật. Thế là các loại phép mầu của dạ xoa Àlavaka hoàn toàn bất lực, không thể nào làm cho Ðức Thế Tôn rời khỏi lâu đài. Vậy mà dạ xoa Àlavakà vẫn cứng đầu ngoan cố, chưa chịu khuất phục, y còn điên cuồng huy động quân lính thuộc hạ, mỗi tên một loại vũ khí, y hét lớn. - Các ngươi hãy bắt Sa môn Gotama! Hãy giết Sa môn Gotama! Mặc dù dạ xoa Àlavaka hét lớn đến đâu đi nữa, toàn bộ quân lính của y cũng không thể nào tiến lại gần Ðức Phật được, nhưng lùi ra ngoài thì chúng lại sợ oai lực của y. Tình trạng này kéo dài đến quá nửa đêm, mà vẫn không làm sao lay chuyển được Ðức Phật, Ngài vẫn an nhiên tự tại ngự trên bảo toà cao quý ấy. VŨ KHÍ DUSSÀVUDHA Cuối cùng, không còn cách nào khác, dạ xoa Àlavaka bèn lấy ra một vũ khí cực kỳ lợi hại, có tên là "Dussàvudha". Vũ khí này, nếu ném lên hư không thì suốt 17 năm liền chẳng hề có một giọt mưa nào rơi xuống. Nếu ném xuống mặt đất, các loại cỏ cây sẽ chết khô và suốt 12 năm liền chẳng có giống thảo mộc nào mọc lên nổi. Nếu ném xuống đại dương, biển sẽ khô không còn một giọt nước. Nếu ném vào núi Sineru núi sẽ bể ra từng mảnh vụn. Khi ấy, toàn thể chư thiên, chư Phạm thiên mười ngàn thế giới hội lại đều nghĩ rằng: "Hôm nay, Ðức Thế Tôn sẽ cảm thắng dạ xoa Àlavaka. Chúng ta sẽ được chứng kiến sự thất bại thảm hại của y, rồi chúng ta sẽ được nghe Ðức Thế Tôn thuyết pháp". Lúc ấy, dạ xoa Àlavaka bừng bừng tức giận, ném vũ khí Dussàvudha về phía Ðức Thế Tôn, phát ra tiếng nổ gầm vang rền, làm rung chuyển cả không gian, nhưng khi đến gần Ðức Phật, vũ khí Dussàvudha biến thành mảnh vải lau chân vuông vắn rơi xuống phía dưới bàn chân của Ngài. Thấy sự việc lạ thường chưa từng có, dạ xoa Àlavaka đứng ngây như pho tượng, ngơ ngác như kẻ mất hồn, bao nhiêu tánh tự cao ngã mạn hống hách bấy lâu nay của y chợt tiêu tan trong khoảnh khắc. Dạ xoa Àlavaka cảm thấy mình không còn một chút oai lực nào nữa, ví như bò chúa bị gãy đôi sừng, rắn độc bị nhổ hết răng. Y thấy mình hoàn toàn bất lực, hoàn toàn thất bại. Lúc ấy, dạ xoa Àlavaka suy nghĩ rằng: "Vũ khí Dussàvudha cực kỳ lợi hại kia tại sao có thể biến thành mảnh vải lau chân được? Ôi! có lẽ Sa môn Gotama này có từ bi và đức nhẫn nại là vũ khí bảo vệ, chống đỡ mọi thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm khác. Vậy thì ta nên chọc tức cho Sa môn Gotama phát sân, không còn tâm từ và nhẫn nại nữa". Nghĩ thế xong, dạ xoa Àlavaka đổi chiến thuật mới, cất giọng nhã nhặn mà thưa rằng: - Thưa Sa môn Gotama, tôi chưa thỉnh Sa môn đến lâu đài của tôi. Tôi cũng chưa mời Sa môn ngự trên bảo toạ của tôi. Thế mà, Sa môn đã ngự trên bảo toạ này một cách an nhiên tự tại, lại còn có các tỳ thiếp của tôi ngồi xung quanh, mà Sa môn là bậc phạm hạnh cao thượng, như vậy có nên hay không? Thưa Sa môn. Tôi là chủ nhân, xin mời Sa môn rời khỏi lâu đài. Ðức Phật nhẹ nhàng đứng dậy đi ra khỏi lâu đài theo lời của dạ xoa Àlavaka, vì Ngài biết rằng dạ xoa này rất hung dữ, cứng đầu khó dạy, không thể dùng thần thông hoặc trí tuệ mà tế độ, khi y đang còn sân hận. Vậy chỉ có thể dùng đến phương tiện pháp rải tâm từ và pháp nhẫn nại để xoa dịu bớt tâm sân hận của y, sau đó mới có thể tế độ y được. Thật vậy, dạ xoa Àlavaka tâm bớt sân hận và thoáng nghĩ: "Sa môn Gotama dễ bảo thật vậy hay sao? Sao mà ta đã mất biết bao công sức, bao nhiêu phép mầu kể cả vũ khí Dussàvudha nữa, ta đã khổ công vất vả hơn nửa đêm nay đều không hiệu quả, không bằng dùng lời lẽ ôn hoà. Có phải chỉ dùng lời lẽ ôn hoà mà chiến thắng dễ dàng như vậy sao? Hay vị Sa môn Gotama này tức giận ta mà bỏ đi chăng? Vậy thì ta hãy chọc giận Sa môn này, phải thử lại một lần nữa". Dạ xoa Àlavaka bèn gọi lại: - Này Sa môn Gotama, xin mời đi vào! Ðức Thế Tôn dùng phạm âm đáp lại giọng ngọt ngào "Sàdhu! Lành thay!" rồi ngự vào chỗ bảo toạ. Dạ xoa muốn chọc tức, nên khi Ðức Phật vừa ngồi trên bảo toạ liền mời Ngài. - Này Sa môn Gotama, xin mời đi ra! Ðức Thế Tôn nhẹ nhàng bước ra khỏi cửa, y liền mời Ðức Thế Tôn đi vào. Ðức Thế Tôn đi ra rồi đi vào cả ba lần theo ý muốn của y. Lúc này, tâm trạng của dạ xoa Àlavaka không còn hung ác, cang cường như ban đầu nữa, nhưng y vẫn còn tánh tự phụ, tự đề cao "ta là kẻ vô địch", nên y nghĩ: "Ta sẽ ra lệnh cho Sa môn Gotama này đi ra đi vào cho đến mệt, lúc ấy ta sẽ nắm đôi chân của Sa môn Gotama ném xuống dòng sông Gangà", rồi y liền ra lệnh cho Ðức Phật. - Này Sa môn Gotama, xin mời đi ra! Ðức Thế Tôn biết được ác tâm của dạ xoa Àlavaka và cũng thấy đã đến lúc, hợp thời có thể cảm hoá y, nên Ngài vẫn an nhiên tự tại ngự trên bảo tọa của y và truyền dạy rằng: - Này Àlavaka, Như Lai đã đi ra, đi vào đến ba lần theo ý muốn của ngươi rồi. Bây giờ, Như Lai không đi ra nữa, ngươi muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi? Sở dĩ Ðức Phật nói như vậy, là vì Ngài biết rõ dạ xoa Àlavaka sẽ hỏi 8 câu hỏi mà y đã ghi lại trên tấm biển bằng vàng cất kỹ trong lâu đài. Tám câu hỏi này, Dạ xoa Àlavaka đã từng đem ra hỏi các vị đạo sĩ có thần thông bay đến lâu đài của y, nhưng không một vị nào có thể giải đáp được. Nguồn gốc của 8 câu hỏi này, vào thời kỳ Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, cha mẹ của dạ xoa Àlavaka có duyên lành đến hầu Ngài và được nghe 8 câu hỏi cùng 8 câu trả lời. Àlavaka được cha mẹ dạy lại, về sau, cha mẹ của Àlavaka qua đời, trải qua thời gian quá lâu, Àlavaka chỉ còn nhớ 8 câu hỏi, mà quên mất 8 câu trả lời. Bởi vì 8 câu trả lời thuộc về trí tuệ của Ðức Phật, cho nên không một ai có thể trả lời cho đúng được. Dạ xoa Àlavaka nghe Phật dạy: "... ngươi muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi". Y nghĩ đây là một cơ hội tốt cho mình, y bèn đặt điều kiện với Ðức Phật: - Này Sa môn Gotama, tôi sẽ hỏi những câu hỏi. Nếu Sa môn không trả lời cho đúng được, thì tôi sẽ móc trái tim của Sa môn ném nơi khác, hoặc nắm đôi chân của Sa môn ném xuống dòng sông Gangà. Ðức Phật từ bi dạy rằng: - Này Àlavaka, ngươi nên biết rằng Như Lai chưa từng thấy Sa môn, Bà la môn, chư thiên, Ma vương hoặc Phạm thiên nào, hay bất cứ một ai có thể móc trái tim của Như Lai ném đi nơi khác, hoặc nắm đôi chân của Như Lai ném xuống dòng sông Gangà; còn ngươi muốn hỏi điều gì thì cứ hỏi, Như Lai sẽ trả lời rành rẽ cho ngươi nghe. (Còn nữa) __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #15 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | ÐỨC PHẬT CẢM THẮNG DẠ XOA ÀLAVAKA (tiếp theo)TÁM CÂU HỎI Dạ xoa Àlavaka vào lấy tấm biển vàng có ghi 8 câu hỏi ra liền hỏi Ðức Phật rằng: - Này Sa môn Gotama, 1- Pháp nào là của cải hài lòng, cao quý nhất của chúng sinh trong đời? 2- Pháp nào khi chúng sinh đã thực hành rồi, sẽ cho quả an lạc? 3- Vị nào là vị cao thượng hơn các vị khác? 4- Chư bậc Thiện trí nói: chúng sinh sống như thế nào mới được gọi là sống cao thượng nhất? Bằng giọng phạm âm ngọt ngào, với tâm từ vô lượng, tuần tự Ðức Phật trả lời: - Này Àlavaka, 1- Ðức tin là của cải hài lòng, cao quý nhất của chúng sinh trong đời. 2- Thiện pháp khi chúng sinh đã thực hành rồi, sẽ cho quả an lạc. 3- Pháp chân thật là vị cao thượng hơn các vị khác. 4- Chư bậc Thiện trí nói rằng: "chúng sinh sống bằng Trí tuệ mới được gọi là đời sống cao thượng nhất". Ðức Phật đã trả lời 4 câu hỏi giống như Ðức Phật Kassapa ở quá khứ đã trả lời, mà cha mẹ của dạ xoa Àlavaka đã từng dạy y như vậy. Dạ xoa Àlavaka lắng nghe Ðức Phật giải đáp đúng như những câu hỏi, mà thời gian trải qua quá lâu đã chìm sâu vào trong tâm thức, y không thể nào nhớ lại được. Nay y được nghe Ðức Phật trả lời đúng theo câu hỏi, nhắc cho y hồi tưởng lại được, nên y vô cùng hoan hỷ, phát sanh hỷ lạc lạ thường, phát sanh đức tin trong sạch, lòng tôn kính nơi Ðức Phật, đồng thời diệt tâm sân hận ngay, bèn đổi cách xưng hô. - Kính bạch Ðức Thế Tôn, kính xin Ngài mở lòng từ bi đối với con, giải đáp cho con 4 câu hỏi nữa. 5- Bằng pháp nào, chúng sinh có thể vượt qua bốn vùng nước xoáy? 6- Bằng pháp nào, chúng sinh có thể vượt qua biển khổ tử sanh luân hồi? 7- Bằng pháp nào, chúng sinh có thể giải thoát khổ tử sanh luân hồi? 8- Bằng pháp nào, chúng sinh mới trở nên hoàn toàn trong sạch? Ðức Phật giải đáp: - Này Àlavaka, con hãy lắng nghe: 5- Nhờ Ðức tin chúng sinh vượt qua bốn vùng nước xoáy. 6- Nhờ Tâm không dễ duôi, có Chánh niệm chúng sinh vượt qua biển khổ tử sanh luân hồi. 7- Nhờ Tâm tinh tấn chúng sinh giải thoát khổ tử sanh luân hồi. 8- Nhờ Trí tuệ chúng sinh mới trở nên hoàn toàn trong sạch. Ðức Phật trả lời 4 câu hỏi giống như Ðức Phật Kassapa ở quá khứ. Lắng nghe xong 4 câu giải đáp của Ðức Phật, dạ xoa Àlavaka hiểu được ý nghĩa sâu xa, vi diệu trong tám câu hỏi gia bảo của cha mẹ truyền lại. Dạ xoa Àlavaka đã lắng nghe hiểu rõ, mới thực hành theo liền chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu (Sotàpanna) đã diệt đoạn tuyệt được tâm tà kiến và hoài nghi không còn dư sót, còn tâm sân chưa diệt được, song tâm sân không đến nỗi làm điều tội lỗi, phạm giới sát sanh.... Bởi bậc Thánh Nhập Lưu có giới đức hoàn toàn trong sạch, luôn luôn có tâm hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi, có đức tin hoàn toàn trong sạch và vững chắc nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp. Dạ xoa Àlavaka hết lòng tôn kính Ðức Phật, đảnh lễ dưới chân Ngài, vô cùng cảm kích trước tâm đại bi của Ðức Phật mà bạch rằng: - "Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính xin Ðức Thế Tôn tha thứ những lỗi lầm lớn lao của con. Ngài đến đây với tâm đại bi tế độ con, nhờ tâm từ và đức nhẫn nại của Ngài đã cảm hoá con cải ác tùng thiện, cải tà quy chánh. Con hết lòng thành kính xin quy y nơi Ðức Thế Tôn, Ðức Pháp và Ðức Tăng. Kính xin Ðức Thế Tôn nhận biết cho con là cận sự nam đã quy y Tam bảo kể từ hôm nay cho đến trọn đời". Kính bạch Ðức Thế Tôn, kính xin Ngài từ bi giải đáp những câu hỏi khác nữa để cho con học hành, hầu mong đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho con. Ðức Thế Tôn dạy: - Sàdhu! Lành thay! Con hãy hỏi những điều con thắc mắc. Kính bạch Ðức Thế Tôn: 1- Người có được trí tuệ bằng pháp nào? 2- Người tìm có được của cải bằng cách nào? 3- Người có được danh thơm tiếng tốt nhờ pháp nào? 4- Người muốn được kết bạn thân thiết với người khác bằng pháp nào? 5- Người từ bỏ kiếp này, đi tái sanh kiếp sau được an lạc, phải thực hành pháp nào ? Ðức Phật giải đáp: - Này Àlavaka, con hãy lắng nghe: 1- Người có đức tin trong sạch nơi chánh pháp của bậc Thánh Arahán, nhờ biết lắng nghe một cách cung kính, sẽ có được trí tuệ. 2- Người có nghề nghiệp chân chánh, tinh tấn, cố gắng, chuyên cần làm việc sẽ có được của cải. 3- Người có danh thơm tiếng tốt nhờ đức tính chân thật. 4- Người muốn kết bạn thân thiết với người khác nhờ pháp bố thí. 5- Người nào thường thực hành những pháp như: chân thật, trí tuệ, tinh tấn, bố thí, người ấy sau khi từ bỏ kiếp này, đi tái sanh ở kiếp vị lai được an lạc. Này Àlavaka: - Không có pháp nào để phát sanh trí tuệ bằng sự lắng nghe chánh pháp của bậc Thiện trí. - Không có pháp nào phát sanh của cải ngoài sự tinh tấn, cố gắng chuyên cần trong công việc làm ăn chân chánh. - Không có pháp nào tạo nên danh thơm tiếng tốt bằng pháp chân thật. - Không có pháp nào để kết bạn thân thiết với người khác bằng pháp bố thí những vật đáng hài lòng. - Không có pháp nào để đem lại sự an lạc ở kiếp vị lai bằng những pháp như: pháp chân thật, trí tuệ, tinh tấn, bố thí. Dạ xoa Àlavaka bạch với Ðức Thế Tôn rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, hôm nay con đã hiểu biết rõ sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc trong kiếp hiện tại lẫn kiếp vị lai. Ngài có tâm đại bi ngự đến xứ Àlavi ở trong lâu đài của con, chính vì sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài của con. Người nào có duyên lành, có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, lắng nghe chánh pháp của Ngài, người ấy sẽ được thiện pháp trong tam giới và thiện pháp Siêu tam giới. NỘP THÁI TỬ ÀLAVAKAKUMÀRA Sáng hôm ấy, chư thiên ở khu rừng vô cùng hoan hỷ nói lên lời Sàdhu! Lành thay! thì một toán quan quân triều đình khiêng chiếc kiệu vàng mang Thái tử Àlavakakumàra đến nộp cho dạ xoa Àlavaka ăn thịt theo lệ thường ngày. Khi họ vừa đến gốc cây Da to, họ nghe tiếng Sàdhu! Lành thay! vang dội cả không gian. Khi quan quân đến gần, nhìn thấy Ðức Thế Tôn đang ngồi trên bảo tọa, còn dạ xoa Àlavaka đang đứng một bên hầu Ngài, từ kim thân của Phật toả ra hào quang sáng ngời, họ đến hầu đảnh lễ Ðức Phật xong, rồi thưa với dạ xoa Àlavaka: - Này dạ xoa Àlavaka, Ðức vua của chúng tôi truyền đem Thái tử Àlavakakumàra nộp cho ngươi. Dạ xoa Àlavaka trước kia là dạ xoa hung ác, lấy thịt người làm vật thực. Nhưng bây giờ, đã được Ðức Phật cảm hóa rồi, dạ xoa Àlavaka đã trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, có giới đức hoàn toàn trong sạch, luôn luôn có tâm hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi; nên khi nghe các quan thưa như vậy, tâm vô cùng hổ thẹn, Àlavaka cung kính khom mình đưa hai tay đón nhận Thái tử, rồi quỳ xuống dưới chân Ðức Phật mà bạch rằng: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, Thái tử Àlavakakumàra này, các quan đem đến hiến dâng cho con; con kính dâng Ngài Thái tử này. Kính xin Ngài với tâm đại bi tế độ Thái tử. Lúc ấy, dạ xoa Àlavaka cảm kích đọc bài kệ: "Con hoan hỷ với thiện tâm trong sạch, Dâng Ngài Thái tử À-LA-VA-KA, Là đứa bé có phước thiện lớn lao, Thân hình đầy đủ, tướng mạo tốt đẹp, Xin Ngài từ bi tế độ Thái tử, Vì lợi ích, an lạc cho muôn loài". Ðức Phật thọ nhận Thái tử từ tay của dạ xoa Àlavaka, rồi Ngài cho cả hai đều quy y Tam bảo. Ngài phúc chúc: Xin cho Thái tử Àlavakakumàra được an lạc sống lâu! Àlavaka, con cũng được an lạc, sống lâu! Chúc các con được sự lợi ích, sự tiến hoá cho mình và cho tất cả chúng sinh. Ðức Phật trao Thái tử Àlavakakumàra cho các quan và dạy rằng: - Này các con, các con hãy về tâu với Ðức vua Àlavaka hãy nuôi nấng tử tế Thái tử Hatthaka Àlavakakumàra trưởng thành cho Như Lai. Từ ấy, Thái tử Àlavakakumàra có tên là Hatthaka Àlavakakumàra. Bởi vì Thái tử được vị quan đỡ hai tay trao cho dạ xoa Àlavaka, Àlavaka lại đỡ hai tay kính dâng lên Ðức Phật, rồi Ðức Phật đỡ hai tay trao lại cho các quan (từ hai tay này sang hai tay khác, nên gọi là hatthaka). Các quan quân của triều đình vô cùng cảm kích trước tâm đại bi tế độ của Ðức Phật, hết lòng thành kính đảnh lễ dưới chân Ngài, tán dương ca tụng oai lực của Ngài. Họ vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ Ðức Thế Tôn, từ giã dạ xoa Àlavaka, rồi xin phép khiêng kiệu Thái tử Hatthaka Àlavakakumàra trở lại hoàng cung. Trên đường trở về, dân chúng nhìn thấy khiêng kiệu Thái tử, trong lòng lo sợ bèn hỏi các quan: - Có phải dạ xoa Àlavaka chê Thái tử nhỏ quá không chịu ăn thịt, chỉ muốn ăn thịt người lớn chăng? Các quan nói trấn an dân chúng, rồi tường thuật lại rành rẽ những điều mắt thấy tai nghe cho mọi người an tâm. Từ thôn làng này, tin lan truyền nhanh qua thôn làng khác, ai ai cũng vui mừng đã thoát khỏi nạn tang tóc khổ đau. Toàn thể dân chúng hướng về phía lâu đài của dạ xoa Àlavaka, nơi có Ðức Thế Tôn đang ngự cung kính lễ bái Ngài và nói lên lời Sàdhu! Sàdhu! Lành thay! Lành thay! Ðã đến giờ đi khất thực, Ðức Thế Tôn ngự đi trước, còn dạ xoa Àlavaka ôm bát tiễn chân Ngài ra đến giữa đường, Ðức Thế Tôn dừng lại, biết ý, dạ xoa Àlavaka dâng bát lên cho Ngài, đảnh lễ Ngài rồi trở về lâu đài của mình. Ðức Thế Tôn chậm rãi đi vào thành Àlavi khất thực, Ngài đến một gốc cây thanh vắng gần cửa thành Àlavi để thọ thực và nghỉ trưa. Chuyện Ðức Thế Tôn cảm hoá dạ xoa Àlavaka hung dữ đã lan truyền từ các xóm làng, cho đến kinh thành. Các quan kiệu Thái tử trở về hoàng cung tâu trình Ðức vua được rõ mọi việc. Ðức vua, Hoàng hậu, các quan cùng toàn thể hoàng gia vô cùng vui mừng khi được nhìn thấy lại mặt Thái tử. Lúc ấy, xa giá Ðức vua Àlavaka, Hoàng hậu cùng đoàn tuỳ tùng ra khỏi hoàng cung, số đông dân chúng theo sau, đến hầu Ðức Thế Tôn. Khi đến gần, Ðức vua xuống kiệu từ xa, đi chân đến, thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, tất cả cũng đều đảnh lễ theo, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Ðức vua bạch Ðức Thế Tôn: - Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài đã cảm hoá dạ xoa Àlavaka như thế nào? Bạch Ngài. Nhân dịp ấy, Ðức Phật thuyết giảng bài kinh Àlavakasutta, thuật lại rõ từng chi tiết cho hội chúng nghe về việc Ngài đã dùng pháp nhẫn nại để cảm hoá dạ xoa Àlavaka. Thời pháp chấm dứt, tất cả hội chúng thảy đều hoan hỷ, có số chư thiên, chư Phạm thiên, nhân loại gồm có 84.000 chúng sinh chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả tuỳ theo trình độ ba la mật của họ. Sau đó, Ðức vua Àlavaka và dân chúng kinh thành Àlavi, hàng ngày đem lễ vật đến dâng cho dạ xoa Àlavaka đầy đủ. Thái tử Hatthaka Àlavaka đến tuổi trưởng thành thường đến hầu Ðức Phật, nghe pháp, cúng dường bốn món vật dụng đến chư Tăng. Nhờ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, sự tinh tấn tiến hành thiền tuệ, chẳng bao lâu sau, Thái tử Hatthaka Àlavaka đã chứng đắc đến bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh thứ ba trong Phật giáo. Thái tử Hatthaka Àlavaka cùng nhóm cận sự nam tùy tùng thường tế độ những người khác bằng bốn pháp tế độ: 1- Bố thí của cải đến người khác. 2- Nói lời chân thật, ngọt ngào dễ nghe. 3- Hành động lợi ích cho mọi chúng sinh. 4- Hoà đồng với mọi người. Ðức Thế Tôn tán dương và ca ngợi Thái tử Hatthaka Àlavaka như sau: "Này chư Tỳ khưu, Hatthaka Àlavaka là người có bốn pháp tế độ tối thắng nhất trong hàng cận sự nam của Như Lai". -ooOoo- Giải thích từ ngữ: - Pháp nước xoáy: là bốn pháp làm cho chúng sinh chìm đắm trong biển khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, không thể ngoi đầu nổi lên được. Bốn pháp nước xoáy (ogha): 1- Ngũ dục như nước xoáy làm chúng sinh chìm đắm trong sắc, thanh, hương, vị và xúc. 2- Tà kiến như nước xoáy làm chúng sinh chìm đắm trong tà kiến sai lầm. 3- Kiếp sanh như nước xoáy làm chúng sinh chìm đắm trong kiếp sanh cõi Dục giới, cõi sắc giới và cõi vô sắc giới. 4- Vô Minh như nước xoáy làm chúng sinh chìm đắm trong si mê, không chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế. Saddhà: Ðức tin, tin nơi Tam bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp; tin thiện nghiệp cho quả vui, ác nghiệp cho quả khổ. Ðức tin là pháp dẫn đầu trong mọi thiện pháp, người có đức tin, có sự tinh tấn tiến hành thiền tuệ, có thể chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, mới có thể vượt qua bốn pháp nước xoáy. Ðức Phật dạy: nhờ đức tin người ta vượt qua bốn pháp nước xoáy. Chỉ có bậc Thánh Nhập Lưu mới có đức tin trong sạch hoàn toàn. Appamàda: Không dễ duôi, nghĩa là luôn luôn có chánh niệm là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, là con đường duy nhất vượt qua biển khổ tử sanh luân hồi. Annava: Biển khổ luân hồi, mọi cảnh khổ của mỗi chúng sinh, quanh quẩn trong vòng tử sanh luân hồi quá mênh mong bao la, sâu thẳm như biển đại dương. Do đó, Ðức Phật dạy: "Nhờ tâm không dễ duôi, có chánh niệm, chúng sinh vượt qua biển khổ tử sanh luân hồi". Vìriya: Tâm tinh tấn, sự kiên trì cố gắng không ngừng để thiện tâm tăng trưởng. - Tinh tấn không để cho ác pháp phát sanh. - Tinh tấn diệt ác pháp đã sanh. - Tinh tấn làm cho thiện pháp chưa sanh được phát sanh. - Tinh tấn làm cho thiện pháp đã phát sanh càng thêm tăng trưởng đến sự chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt vô minh, tham ái và mọi ác pháp không còn dư sót. Dukkha: Khổ: khổ sanh, khổ lão, khổ bệnh và khổ tử, khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. Do đó Ðức Phật dạy: "nhờ tinh tấn, chúng sinh thoát khỏi khổ tử sanh luân hồi". Pannà: Trí tuệ: ở đây đó là Arahán Thánh Ðạo Tuệ, có khả năng diệt đoạn tuyệt tất cả mọi vô minh, tham ái, phiền não, ác pháp không còn dư sót. Parisujjhati: hoàn toàn trong sạch: tâm hoàn toàn trong sạch nghĩa là tâm không còn vô minh, tham ái, phiền não và mọi ác pháp, đó là tâm của bậc Thánh Arahán. Do đó Ðức Phật dạy: "Nhờ trí tuệ chúng sinh trở nên hoàn toàn trong sạch". -ooOoo- Theo: Tám Sự Tích Phật Lực Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #16 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | CHUYỆN MẸ CỦA UTTARA (UTTARAMÀTU) Sau khi bậc Ðạo Sư diệt độ, vào thời Ðại hội kết tập Kinh điển đầu tiên đang diễn tiến, Tôn giả Mahà-Kaccayàna (Ðại Ca-chiên-diên) cùng mười hai Tỷ-kheo đang cư trú trong ngôi rừng nọ gần Kosambi (Kiều-thưởng-di). Thời ấy Uttara, vị nam tử thừa kế của vị quốc sư triều vua Udena, đang cùng đám thợ mộc đi tìm gỗ để sửa nhà, và được Trưởng lão này thuyết pháp. Về sau Uttara thường cúng dường vị ấy thực phẩm và xây tặng vị ấy một thảo am. Song bà mẹ của Uttara căm hận những việc cúng dường ấy. Bà bảo: - Ta mong bất cứ thức ăn uống nào con cúng các Sa-môn mà ta không đồng ý đều trở thành máu cho con uống ở đời sau. Tuy thế, vào ngày cúng dường am thất, bà cho phép tặng một bó lông đuôi công. Khi từ trần, bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ và do đã cúng dường một bó lông đuôi công ấy, nữ ngạ quỷ có mái tóc đen thật dài, uốn lượn óng ả rất đẹp và dài tha thướt. Bất cứ khi nào nữ ngạ quỷ bước xuống tự nhủ: 'Ta sẽ uống nước sông Hằng' thì dòng sông trở thành máu đỏ. Sau khi đã đi lang thang suốt năm mươi năm bị đói khát giày vò, ngày kia nữ ngạ quỷ chợt thấy Trưởng lão Kankhàrevata (Kankhà Ly-bà-la) ngồi nghỉ trưa bên bờ sông Hằng: Cuộc đối thoại này tiếp theo sau hai vần kệ đầu của chư vị kết tập Kinh điển: 1. Khi một Tỷ-kheo đến nghỉ trưa Và ngồi trên bến nước Hằng hà, Gần người, nữ quỷ hình ghê rợn, Dáng điệu rụt rè, tiến bước ra. 2. Mái tóc quỷ nương ấy thật dài Thả ra chấm đất, được buông lơi, Che thân bằng các chùm tóc ấy, Nữ quỷ thưa Tôn giả chuyện đời: Nữ ngạ quỷ: 3. Năm mươi năm đã giã từ trần, Con chẳng biết gì thức uống ăn. Tôn giả, cho con xin chút nước, Hiện con đang khát nước muôn phần. Tỷ-kheo: 4. Ðây dòng nước mát của sông Hằng Chảy xuống từ miền núi Tuyết Sơn, Hãy lấy nước kia và uống gấp, Sao ngươi xin nước ở trên dòng? Nữ ngạ quỷ: 5. Tôn giả, xin thưa, nếu chính con Tự tay lấy nước ở dòng sông, Nước liền thành máu, và vì thế Con khẩn cầu ngài chút nước trong. Tỷ-kheo: 6. Ngày xưa đã phạm ác hành nào Do khẩu, ý, thân đã phạm vào, Từ nghiệp quả gì tay ấy chạm Nước sông Hằng hóa máu, vì sao? Nữ ngạ quỷ: 7. Nam tử của con, Ut-ta-ra, Xưa vốn là cư sĩ tại gia Ðem cúng các Sa-môn thực phẩm, Tọa sàng, dược liệu, áo cà-sa. 8. Lòng con sôi động bởi xan tham Thúc giục, nên con phỉ báng chàng: 'Bất cứ vật gì ta chẳng muốn Ngươi đem dâng cúng các Sa-môn, 9. 'Ut-ta-ra, thứ ấy, ta cầu Thành máu cho ngươi ở kiếp sau'. Do nghiệp quả này, tay chạm phải Nước sông Hằng hóa máu từ lâu'. Khi ấy Tôn giả Revata cúng dường nước lên Tăng chúng và hồi hướng công đức cho nữ ngạ quỷ. Sau đó Tôn giả đi khất thực và khi đã nhận được thức ăn Tôn giả cúng dường chư Tăng. Rồi Tôn giả lấy một ít giẻ rách từ đống rác, rửa sạch, phơi khô xong, Tôn giả may thành y và cúng dường Tăng chúng. Nhờ vậy nữ ngạ quỷ thọ hưởng thiên lạc, liền trình với vị Trưởng lão sự việc cùng bày tỏ niềm hạnh phúc thần tiên mà nó đã đạt được. ---------------------------- Trích từ: Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya Tập II - Ngạ Quỷ Sự Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #17 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | CHUYỆN NGẠ QUỶ SERINI (SERINI) Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên). Tương truyền ở quốc độ Kuru (Câu-lâu) tại thành phố Hatthinipura có một gái giang hồ tên là Serinì. Khi dân trong thành chào đón chư Tăng đến thuyết pháp, họ thúc giục nàng: - Nàng hãy đến cúng dường chư Tăng để tạ ân. Nàng từ chối đáp: - Sao tôi lại phải cúng dường lễ vật cho các Sa-môn trọc đầu này chứ? Sao tôi lại phải từ bỏ một thứ gì đó vì con người vô dụng ấy? Khi từ trần, nàng tái sanh làm một nữ ngạ quỷ ở sau hào lũy của một tường thành nơi biên địa. Thế rồi một cư sĩ tại gia từ thành Hatthinipura đến vùng thành lũy này để buôn bán, vào lúc rạng đông đi ngang hào lũy để điều hành công việc, trông thấy nữ ngạ quỷ liền hỏi, qua vần kệ: 1. Trần truồng và xấu xí hình dung, Hốc hác, và thân thể nổi gân Người ốm yếu, xương sườn lộ rõ, Ngươi là ai hiện đến đây chăng? Nữ ngạ quỷ đáp: 2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nương, Thần dân khốn khổ của Diêm Vương, Vì con đã phạm hành vi ác, Con đến cõi ma đói ẩn thân. Vị cư sĩ ngâm kệ hỏi: 3. Ngày xưa đã phạm ác hành gì Do khẩu, ý, thân đã thực thi? Vì hạnh nghiệp nào ngươi đã tạo Từ đây tới cảnh giới âm ty? Nữ ngạ quỷ đáp lại vần kệ: 4. Con đã đi quanh bến tắm công, Lang thang suốt cả nửa tuần trăng. Mặc dù bố thí là công đức, Con chẳng cho mình chỗ trú thân. 5. Khi con khát nước, đến dòng sông, Sông nước trở thành bãi trống không; Những lúc nắng, con ngồi bóng mát, Tàng cây lại hóa nóng bừng bừng. 6. Cơn gió như thiêu đốt, lửa hồng, Thổi ào lên khắp cả thân con, Nhưng con xứng đáng nhiều đau khổ Hơn thế này, Tôn giả đoái thương. 7. Xin Tôn giả đến Hat-pu-ra, Và kể chuyện ngay với mẹ già: 'Ta đã thấy con bà thuở trước, Thần dân khốn khổ cõi Diêm-la. Vì nàng đã phạm hành vi ác, Từ cõi đời đi đến cõi ma'. 8. Giờ đây con có món tư trang Ðể dành lên đến bốn trăm ngàn, Con không hề nói cho ai biết, Con đã giấu ngay dưới tọa sàng. 9. Xin mẹ con dâng lễ cúng dường, Phước phần hồi hướng đến tên con, Chúc bà được sống đời trường thọ; Khi mẹ con dâng lễ cúng dường, Hồi hướng về con phần phước đức, Thỏa nguyền, con hạnh phúc hân hoan'. Trong lúc nữ ngạ quỷ kể chuyện này, vị ấy chú ý lắng nghe lời nói, và về sau, khi đã làm xong công việc, vị ấy đến kể chuyện kia cho bà mẹ nó. Các vị kết tập Kinh điển ghi lại các vần kệ sau: 10. Người ấy thuận lòng, vội nói ra: 'Ðược rồi!' và đến Hat-pu-ra, Nói: 'Ta đã thấy con bà đó, Khốn khổ, thần dân cõi Dạ-ma. Vì đã tạo nên điều ác nghiệp Từ đời này đến cõi tà ma'. 11. Dịp kia, nàng đã bảo cùng ta: 'Xin kể chuyện ngay với mẹ già: Ta đã thấy con bà thuở trước Thần dân khốn khổ cõi Diêm-la. Vì nàng đã phạm hành vi ác, Từ cõi đời đi đến cõi ma'. 12. Giờ đây nàng có món tư trang Ðể dành lên đến bốn trăm ngàn, Nàng không hề nói cho ai biết Nàng đã giấu ngay dưới tọa sàng. 13. Xin mẹ nàng dâng lễ cúng dường, Phước phần hồi hướng đến cho nàng, Chúc bà được sống đời trường thọ; Khi mẹ nàng dâng lễ cúng dường, Hồi hướng về nàng phần phước đức, Thỏa nguyền, nàng hạnh phúc hân hoan'. 14. Do vậy, bà dâng lễ cúng dường Phước phần hồi hướng đến tên nàng, Tức thì nữ quỷ liền an lạc, Hạnh phúc, dung nhan đẹp lạ thường! Khi mẹ nàng nghe chuyện này, bà liền cúng dường Tăng chúng như nàng ước nguyện và hồi hướng công đức về nàng. ---------------------- Trích từ: Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya Tập II - Ngạ Quỷ Sự Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #18 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | CHUYỆN NỮ QUỶ Ở HAKANNAMUNDA (KANNAMUNDAPETI) Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Sàvatthi. Tương truyền rằng thuở xưa vào thời đức Phật Kassapa, ở xứ Kimbilà có một đệ tử tại gia đã thọ Tam quy, cùng chung niềm tín ngưỡng với năm trăm cư sĩ khác chuyên tâm thực hành các thiện sự như trồng hoa viên, xây cầu cống, làm đường sá, và các việc công ích khác. Vị ấy đã xây một tinh xá cúng dường giáo hội Tỷ-kheo và thỉnh thoảng cùng đến nơi ấy với các cư sĩ kia. Các bà vợ của hội chúng này cũng rất hòa hợp với nhau, thường cùng đi đến tinh xá cúng dường vòng hoa, hương liệu, dầu xoa và trên đường đi vẫn nghỉ ngơi tại các hoa viên và nhà trọ. Rồi một ngày kia, một số kẻ bất lương đang tụ tập với nhau trong nhà trọ của một bà chủ kia, trông thấy nhan sắc diễm lệ của các nữ nhân khi họ đến nghỉ ngơi tại đó, liền đem lòng say mê. Biết đám nữ nhân này lương thiện, chúng bắt đầu bàn tán với nhau: - Ai có khả năng thực hiện việc phá giới hạnh với một nữ nhân trong đám này? Lập tức một gã đáp: - Tôi đây. Bọn chúng liền bảo: - Chúng ta hãy đánh cuộc với hắn một ngàn đồng tiền. Chúng đánh cuộc như thế và thêm: - Nếu bạn thành công, chúng tôi sẽ đưa cho bạn một ngàn đồng; nếu không thì bạn phải đưa số ấy cho bọn ta. Vì ước mong thắng cuộc và sợ mất tiền, gã bày đủ mưu kế trong lúc đám nữ nhân nghỉ chân tại đó. Vừa chơi đàn thất huyền cầm du dương vừa hát tình ca êm ái, gã dụ dỗ được một nàng trong đám ấy phá giới hạnh, khiến bọn bất lương kia phải mất một ngàn đồng tiền. Bị gã này đánh bại, bọn chúng bèn đem chuyện ấy kể cho chồng nàng nghe. Vị này không tin, nhưng cũng hỏi nàng: - Nàng có phải là hạng người như các kẻ kia vừa nói chăng? Nàng phủ nhận ngay: - Thiếp không biết những chuyện như vậy. Vì chàng không tin nàng, nàng liền chỉ con chó đang đứng gần đó và thề độc; - Nếu thiếp làm ác hạnh như vậy thì mong con chó đen tai cụt này xé xác thiếp ra khi thiếp tái sanh kiếp sau. Ngoài ra, khi đám nữ nhân biết rõ nàng đã phá giới hạnh, được chất vấn: - Nữ nhân này đã phạm tà hạnh kia hay là không phạm? Họ cũng thề dối trá: - Nếu chúng tôi biết thì mong chúng tôi trở thành nô tỳ của bà ấy ở kiếp tái sanh. Về sau người gian phụ kia bị hối hận vì tội lỗi cũ giày vò, nên héo mòn dần và qua đời. Nàng được tái sanh làm một nữ quỷ trong một lâu đài bên bờ hồ Kannamunda (Tai cụt) là một trong bảy hồ lớn ở vùng Himalaya (Tuyết Sơn), chúa tể của núi đồi. Hơn nữa, chung quanh mọi phía của lâu đài xuất hiện một hồ sen để vui chơi thỏa thích. Khi đám nữ nhân kia từ trần, do hậu quả lời thề dối trá mà họ đã nói ra, họ liền trở thành bầy nô tỳ của nàng. Trong lâu đài ấy, nhờ các thiện nghiệp nàng đã thực hiện trong kiếp trước, nàng hưởng thọ lạc thú thần tiên suốt ngày, nhưng đến nửa đêm, do động lực của ác hạnh xưa thúc giục, nàng thức dậy từ tọa sàng và đi đến hồ sen, rồi bị một con chó ngao cắn xé tan thân tại chỗ. Ngay sau đó nàng lập tức biến hình trở lại với dung sắc kiều diễm như cũ và bước lên lâu đài của nàng, nằm xuống tọa sàng. Tuy nhiên, đám nô tỳ kia lại phải chịu vất vả nhọc nhằn hầu hạ nàng liên tục ngày đêm. Cứ thế năm trăm năm trôi qua, và bởi vì bọn nữ quỷ nhân hưởng lạc thú thần tiên mà thiếu vắng các đức lang quân, nên chúng bắt đầu mong nhớ họ. Bấy giờ tại nơi ấy có một con sông phát xuất từ hồ Kannamunda và do một kẽ nứt trong núi, đã chảy xuống tận sông Hằng. Gần con sông ấy có một vườn xoài sanh trái tiên, cùng với các loại cây mít và nhiều cây khác. Do vậy bọn chúng suy nghĩ: 'Bây giờ đây, chúng ta sẽ ném các trái xoài này vào dòng sông; như thế khi đã thấy các trái cây trôi bồng bềnh xuống dưới nước, một số nam nhân có thể đến đây để tìm xoài. Sau đó chúng ta sẽ hưởng lạc thú với họ'. Bọn chúng đều làm như vậy. Bấy giờ khi các trái xoài bị thả trôi giạt, đám đạo sĩ khổ hạnh lượm được một ít, các sơn nhân tiều phu tìm được số khác, còn một số nữa tấp vào bờ. Tuy thế, có một quả xoài trôi vào dòng sông Hằng và theo thời gian đến tận Ba-la-nại. Thuở ấy, vua Ba-la-nại đang tắm trên sông Hằng và được một tấm lưới đồng bao bọc. Thế rồi trái xoài kia đã được dòng nước cuốn đi theo hướng ấy và mắc vào lưới đồng. Khi các cận vệ của vua nhìn thấy trái xoài tiên to lớn tuyệt hảo về màu sắc lẫn hương vị, họ liền đem dâng vua. Ðể thử xoài, nhà vua cắt một lát và đưa cho một tên cướp khét tiếng đã bị giam vào ngục. Khi ăn xong, tên cướp trình: - Tâu Ðại vương, tiểu tử chưa bao giờ ăn được thứ xoài như vậy. Có lẽ đây là xoài tiên. Nhà vua cho gã một lát nữa. Sau khi ăn xong, làn da nhăn nheo và râu tóc hoa râm của gã biến mất; gã trở thành một chàng trai tuấn tú và có thể nói gã đã hồi xuân. Khi thấy vậy, nhà vua tràn đầy kinh ngạc, ăn ngay trái xoài và cũng nhận được sự kỳ diệu hy hữu trong cơ thể. Nhà vua liền hỏi: - Các trái xoài này kiếm được ở đâu? Ðám cận thần đáp: - Tâu Hoàng thượng, chúng thần nghe nói ở vùng Tuyết Sơn, chúa tể của núi đồi. - Vậy có thể tìm ra chúng chăng? - Tâu Hoàng thượng, đám thợ rừng có thể biết việc ấy. Nhà vua truyền đưa đám thợ rừng vào, ban một ngàn đồng tiền cho một người thợ nghèo và bảo gã ra đi: - Này, hãy đi mang xoài tiên về cho trẫm ngay. Kẻ ấy đi lên thượng lưu sông Hằng đến tận hồ Kannamunda. Khi gã đã đi quá xa con đường của mọi người, gã gặp liên tiếp ba vị ẩn sĩ khổ hạnh chỉ đường, vị thứ ba khuyên gã: - Hãy rời bỏ sông Hằng lớn này, đi theo dòng sông nhỏ kia và cứ lên mãi cho đến khi chú thấy một kẽ nứt trong núi đá. Rồi chú phải vào sâu trong đó ban đêm với ngọn đèn. Vì con sông này không chảy ban đêm, nên chú có thể du hành cách ấy. Gã làm theo lời dặn, và vào lúc rạng đông, gã đến một vùng có chính vườn xoài tuyệt diệu ấy. Khu rừng vang dội tiếng hót du dương của nhiều đàn chim đủ loại và được tô điểm thêm vẻ đẹp bằng những khóm cây xanh sum suê vươn những cành lá trĩu xuống dưới sức nặng của các chùm trái. Cả vùng rực rỡ trong làn ánh sáng tỏa ra từ vô số châu ngọc. (Hai câu này được bổ sung từ tập Sớ giải của Dhammapala). Thế rồi, khi các nữ nhân vắng chồng đã lâu, nay thấy gã đi đến từ xa, vội chạy tới bảo nhau: - Người này thuộc về ta! Người này thuộc về ta! Thuở ấy, gã chưa từng làm các thiện nghiệp xứng đáng hưởng thọ lạc thú thần tiên với hội chúng này trong tiên cảnh. Vì thế chỉ thoạt trông thấy chúng, gã đã kinh hoàng vừa chạy vừa thét lớn. Khi về tới Ba-la-nại, gã trình nhà vua mọi sự đã xảy ra. Khi nghe việc này, trong tâm nhà vua khởi lên một ước muốn gặp các nữ quỷ thần kia và hưởng thú ăn xoài tiên. Vì thế nhà vua liền giao quốc độ cho các vị cận thần, và lấy cớ đi săn, nhà vua đem cung tên và kiếm cùng vài thị vệ khởi hành về vùng ấy như lời người thợ rừng dặn. Sau khi đi được vài do-tuần, nhà vua giã từ đám cận vệ và tiếp tục đi với người thợ rừng. Sau một khoảng đường nữa, nhà vua lại bảo gã trở về. Vào lúc rạng đông, nhà vua đã đến vườn xoài trong tiên cảnh. Thuở ấy, khi các nữ quỷ thần thấy nhà vua hồi xuân như một tiên đồng giáng thế, liền ra nghênh tiếp và khi biết ngài là một quân vương, chúng liền đưa vào lâu đài, dâng các thứ tiên thực và phục vụ ngài như ý. Thế rồi sau một trăm năm mươi năm trôi qua, một hôm nhà vua thức dậy nửa đêm và thấy nữ quỷ đã phạm giới kia đi ra phía bờ hồ sen. Ðộng lòng hiếu kỳ, ngài đi theo nữ quỷ. Sau đó ngài thấy nữ quỷ bị một con chó lớn vồ xé xác ngay khi vừa mới tới nơi. Suốt ba ngày liền ngài suy xét, không làm sao có thể hiểu được ý nghĩa việc này. Hôm sau này cầm mũi tên nhọn bắn con chó kia bỏ mạng và vừa khi nữ quỷ đã nhảy vào hồ sen, lập tức ngài thấy nàng xuất hiện với dung sắc phục hồi như trước. Ngài liền ngâm kệ hỏi nàng những sự việc đã xảy ra: 1. Ðây vàng ròng đúc các cầu thang Nằm dựa lên trên dải cát vàng, Diễm lệ, ngát hương hoa súng trắng, Gây niềm lạc thú tận tâm can. 2. Bao cây làm thảm phủ trên hồ, Theo gió đủ mùi hương thoảng đưa, Hồ mọc tràn đầy sen đỏ thắm Ðiểm tô sen trắng nỏn cành tơ. 3. Lay động theo làn gió nhẹ nhàng Mặt hồ kỳ thú tỏa hương lan, Âm vang với tiếng thiên nga, hạc, Văng vẳng hồng nga hót gọi đàn. 4. Ðây các bầy chim đủ mọi loài, Ngân nga bao tiếng hót êm tai, Cây trồng sanh quả tiên phong phú, Rừng mọc kỳ hoa ở khắp nơi. 5-6. Thành phố như đây thật tuyệt vời Khó tìm thấy ở cõi người đời. Nàng nhiều cung điện bằng vàng bạc, Lấp lánh bốn phương chiếu sáng ngời. Lại có năm trăm tỳ nữ ấy Sẵn sàng phục vụ lệnh nàng thôi. 7. Bọn chúng mang vòng ốc, vỏ trai, Ðiểm trang y phục dệt vàng tươi, Nàng nhiều sàng tọa bằng vàng bạc Ðưọc trải da dê quý phía ngoài. 8. Tất cả đều chu đáo sẵn sàng, Bên trong được phủ với chăn màn Dệt bằng lông thú, khi nằm xuống, Nàng thọ hưởng bao nỗi lạc hoan. 9. Tuy nhiên, khi đến nửa đêm khuya, Nàng thức dậy và cất bước ra Ði tới hoa viên đầy lạc thú Bao quanh hồ nước phủ liên hoa. 10. Bên bờ nàng đứng lại soi mình, Tiên nữ ở trên thảm cỏ xanh, Bỗng một chó ngao tai cắt cụt Vồ nàng xé xác đến tan tành. 11. Khi nàng đã bị nát toàn thân, Và đã biến thành một bộ xương, Nàng vội nhảy vào hồ nước biếc, Hình hài trở lại đẹp muôn phần. 12. Thân thể nàng nay đã vẹn toàn, Cực kỳ diễm lệ, đóa hồng nhan, Ðiểm trang đủ thứ thiên y đẹp, Nàng đến cho ta diện kiến nàng. 13. Ngày xưa nàng phạm ác hành nào Do khẩu, ý, thân đã phạm vào, Con chó cụt tai nay xé xác Bởi vì quả báo tội gì sao? Khi được nhà vua hỏi như vậy, nữ quỷ liền kể chuyện đời này: 14. Ngày xưa ở xứ Kim-bi-la, Có một nam cư sĩ tại gia, Ðệ tử với tâm thành mộ đạo, Thiếp là ác phụ nghiệp gian tà. 15. Bởi vì thiếp phạm tội dâm loàn, Chồng của thiếp lên tiếng hỏi han: 'Nàng đã tạo ra điều bất xứng Là không tiết hạnh với chồng nàng'. 16. Thế rồi thiếp phải nói lời thề Giả dối tràn đầy khủng khiếp kia: 'Thiếp chẳng dám lừa chàng việc ấy, Dù thân hay ý cũng chưa hề. 17. Song nếu thiếp vi phạm việc này Dù thân hay ý bấy lâu rày, Thì mong con chó ngao tai cụt Cắn xé thiếp tan nát cả thây'. 18. Thiếp từng chịu đựng bảy trăm năm Quả báo do tà hạnh, dối gian, Từ ấy, chó ngao tai cắt cụt Xé thân từng mảnh thật kinh hoàng. Nàng nói như vậy xong rồi lại ngâm hai vần kệ ca ngợi đặc ân mà nhà vua đã ban cho nàng: 19. Quân vương thần lực thật cao cường, Ngài đã đến đây cứu quỷ nương, Ðược thoát chó ngao tai cụt ấy, Thiếp không còn sợ hãi, đau buồn. 20. Quân vương, thiếp kính cẩn tôn sùng Ðảnh lễ cầu xin đấng chúa công Hãy thọ hưởng thần tiên lạc thú, Quân vương và thiếp hãy vui chung. Ngay lúc ấy bỗng nhiên nhà vua cảm thấy chán sống ở cảnh tiên kia, liền nói ý định giã từ cho nàng biết và ngâm vần kệ cuối cùng: 21. Ta đã hưởng bao thú cõi tiên, Cùng nàng hoan lạc thật vô biên, Giờ đây, tiên nữ, ta mong ước, Mau hãy đem ta trở lại liền. Khi đã nghe lời của nhà vua, nữ quỷ thần ở lâu đài ấy không chịu nổi sự biệt ly. Lòng nàng rối bời vì đau khổ ưu phiền và toàn thân nàng run lên xúc động. Song dù nàng đã dùng đủ cách khẩn cầu nhà vua, nàng cũng không thể thuyết phục ngài ở lại được nữa. Nàng đành đưa ngài về kinh đô cùng nhiều châu báu và rước ngài vào cung điện. Sau đó nàng than khóc bi thảm và trở về trú xứ của nàng ngay. Khi nhà vua thấy vậy, lòng ngài xúc động vô cùng. Từ đó về sau ngài thực hành nhiều thiện sự như bố thí cùng các phương tiện khác và được sanh lên cõi thiên. Thế rồi khi đức Thế Tôn Gotama giáng sanh ở cõi đời, và theo thời gian đã đến cư trú tại thành Sàvatth, một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành vào vùng núi này trông thấy nữ thần cùng đoàn tùy tùng của nàng, bèn hỏi về hạnh nghiệp mà nàng đã tạo trước kia. Nàng kể với Tôn giả mọi sự và Tôn giả trình bày câu chuyện ấy lên đức Thế Tôn. -------------------------- Trích từ: Tiểu Bộ - Khuddhaka Nikaya Tập II - Ngạ Quỷ Sự Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #19 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | VỊ SA MÔN VÀ LONG VƯƠNG Tỳ-kheo tuy nhỏ tuổi..... Thế Tôn dạt những lời này khi Ngài đang ở tại Pubbarama, liên quan đến Sa-di Sumana Chuyện quá khứ: 12A. Chàng Annabhhàra Nghèo Khổ Và Quan Chưởng Khố Sumana Giàu Có Vào thời Phật Padumuttara, có một thanh niên gặp Phật vào lúc Ngài đang ở giữa tứ chúng tuyên bố một thầy Tỳ-kheo nọ là Thiên nhãn đệ nhất. Lòng mong muốn đạt đến địa vị ấy, chàng thỉnh Phật và chúng Tỳ-kheo đến nhà thọ thực suốt bảy ngày, rồi phát nguyện: "Bạch Thế Tôn, con nguyện xin được thành Thiên nhãn đệ nhất dưới thời một vị Phật tại thế". Ðức Phật Padumuttara quán sát rồi thọ ký: - Một trăm ngàn kiếp nữa, dưới thời Phật Thích Ca, người thanh niên này sẽ được Thiên nhãn đệ nhất, mang tên A-na-luật. Sau khi được thọ ký, mỗi ngày chàng đều cảm thấy như sẽ được đắc thần thông vào ngày mai. Phật nhập Niết-bàn rồi, chàng hỏi các thầy Tỳ-kheo phải tu hành như thế nào để đắc Thiên nhãn thông. Chàng cho thắp đuốc thành vòng tròn bảy hải lý quang ngôi tháp vàng thờ Phật, lấy ánh sáng tôn vinh Ngài. Hết kiếp ấy, chàng thọ sanh lên cõi trời. Sau nhiều kiếp tái sanh suốt một trăm ngàn kiếp, chàng đầu thai vào một nhà nghèo ở Ba-la-nại. Chàng khuân vác cỏ mướn cho quan chưởng khố Sumana nên có tên là annabhàra, người khuân vác cỏ ăn. Quan chưởng khố Sumana thường cúng dường bố thí rộng rãi tại đôi thị này. Một hôm, đức Phật Ðộc Giác Uparittha xuất diệt tận định, và tự quán sát: "Hôm nay ta sẽ độ ai?" Một tư tưởng liền đến trong đầu Ngài: "Hôm nay ta sẽ độ annabhara", và ngài tiếp tục quán sát: "Lúc này Annabhara đang mang cỏ cắt trong rừng về". Ngài bèn lấy y bát, dùng thần thông bay đến trước mặt Annabhara. Chàng thấy bát trống trong tay Ngài, bèn thưa: - Bạch Ngài, Ngài chưa được cúng dường ư? - Ta đang khất thực, hỡi chàng trai tốt phước. - Vậy thì, bạch Ngài, xin Ngài đợi giây lát. Ném bó cỏ, chàng vội vã về nhà hỏi vợ: - Mình ơi, có để dành phần ăn cho tôi không? - Dạ có ạ. Annabhara lại vội quay về gặp vị Phật Ðộc Giác, đỡ lấy bát của Ngài. Chàng nghĩ thầm: "Lâu nay mỗi lần muốn cúng dường, mình không có gì để cúng. Còn khi có vật thực để cúng, mình lại chẳng gặp được vị nào. Hôm nay mình có được cả hai, thật may mắn làm sao!". Chàng về đến nhà, múc cơm vào bình bát, mang đến cúng dường đức Phật, phát nguyện: - Bạch Ngài, xin cho con được thoát khỏi cuộc sống đọa đày hiện nay của con. Xin cho con đừng bao giờ phải nghe tiếng "không có". Vị Phật Ðộc giác liền hồi hướng công đức cho chàng: - Này thiện nam tử, sẽ được vậy. Vị thần trú trong chiếc lọng của quan chưởng khố Sumana kêu lên: - Ôi đức Phật Uparittha được cúng dường món vật thực cao quý biết bao! Và thần ba lần tán thán Annabhara. Quan chưởng khố hỏi: - Lâu nay ông không thấy ta bố thí sao? Thần đáp: - Chẳng phải tôi tán thán ông cúng dường đâu. Tôi đang ca ngợi chàng Annabhara cúng dường Phật Uparittha đấy. - Hay thay! Ta đã cúng dường biết bao nhiêu từ trước đến giờ thần chẳng ca ngợi. Còn chàng Annabhara làm mướn cho ta chỉ cúng một bữa ăn lại được khen. Ta sẽ trả giá mua phần cúng dường này về phần ta. Quan chưởng khố cho gọi Annabhara đến hỏi: - Hôm nay, anh có cúng dường ai không? - Thưa ông chủ có ạ. Tôi đã cúng dường phần cơm tôi cho Phật Ðộc Giác Uparittha. - Anh cầm đồng xu này và nhường cho tôi phần cúng dường ấy nhé! - Thưa ông, không được đâu. Quan chưởng khố tăng giá lên một ngàn đồng, Annabhara vẫn không chịu. Ông bèn nói: - Thôi được rồi, nếu anh không nhường phần cúng dường ấy thì hãy lấy một ngàn đồng này và hồi hướng cho tôi phần phước vậy. - Xin ông hãy để tôi hỏi ý kiến Ngài rồi quyết định ạ. Chàng chạy đến gặp đức Phật Ðộc Giác. - Bạch Ngài, quan chưởng khố trao con một ngàn đồng và yêu cầu hồi hướng công đức cho ông ấy. Con phải làm sao? Ðức Phật dùng thí dụ đáp: - Như trong làng kia có một trăm nhà, một người chỉ thắp một ngọn đèn nhà mình rồi các nhà khác đến đó châm đèn mang về. Vậy ánh sáng đó phải của ngọn đèn dầu đầu tiên không? - Bạch Ngài trong trường hợp ấy ánh sáng của cây đèn đầu tiên đã gia tăng lên. - Thiện nam tử, việc cúng dường của anh cũng thế. Dù một môi cháo, một muỗng cơm, khi ta hồi hướng phước đức do công cúng dường ấy qua những người khác, phước sẽ gia tăng theo số người được hồi hướng. Ðây anh chỉ cúng dường một phần ăn. Nhưng khi anh hồi hướng quan chưởng khố phước đức ấy thì nó tăng lên gấp đôi, một thuộc về anh và một thuộc quan chưởng khố. - Bạch Ngài, quý hóa quá. Annabhàra từ giã vị Phật Ðộc Giác đến gặp quan chưởng khố: - Thưa ông, xin ông hãy nhận phần phước đức cúng dường của tôi. - Ðây anh cầm lấy tiền. - Tôi không bán đâu ạ. Tôi tặng ông phần phước đức ấy là từ lòng tin của tôi thôi. - Vậy cũng tốt. Về phần tôi, tôi cảm phục nhân cách cao quý của anh lắm. Anh bạn, hãy nhận số tiền này đi. Từ nay anh khỏi cần cực nhọc làm thuê mướn cho tôi nữa. Anh hãy cất một căn nhà nơi đường phố lớn mà ở. Lúc nào cần thức gì, anh cứ lại kho tôi lấy. Aáy là quả hiện báo do cúng dường bữa ăn cho một vị xuất định diệt thọ tưởng. Nhà Vua nghe chuyện cũng cho gọi Annabhàra đến, xin chàng một phần phước đức, ban thưởng chàng rất hậu và cho làm chức chưởng khố. Bây giờ Annabhàra là bạn hữu của quan chưởng khố Sumana. Chàng tiếp tục làm việc phước thiện cho đến khi mãn kiếp, được thọ sanh lên cõi trời. Qua nhiều lần tái sinh trong cõi trời và người, chàng thọ sanh vào một gia dình hoàng tộc dòng Thích Ca, hoàng thân Amitodana, tại thành Ca-tỳ-la-vệ, dưới thời đức Phật hiện tại. Sau mười tháng cưu mang, phu nhân Amitodana mới sinh chàng, đặt tên A-na-luật. Tôn giả là em út vương tử Mahanam, anh em chú bác của Phật. Tôn giả được nuôi dưỡng trong sự chăm sóc cưng chiều, là vị vương tử có phước báo rất lớn. Chuyện hiện tại: 12B. A-Na-Luật Xuất Gia Một hôm sáu vị vương tôn chơi đánh bạc ăn bánh, A-na-luật thua, nhờ người đi xin bánh nơi thân mẫu. Phu nhân sắp đầy bánh vào một đĩa vàng lớn đem đến. Các vương tôn ăn bánh xong chơi tiếp. A-na-luật thua, lại xin bánh. Phu nhân ba lần cho mang bánh tới, lần thứ tư bà nhắn: "Không có bánh nữa". Chưa bao giờ nghe chữ "không có" nên nghe mẫu thân nhắn, chàng tưởng tượng: "Chắc có thứ bánh gọi là "không có" bèn bảo người hầu: - Ði xin ít bánh "không có" Phu nhân nghe vậy bèn nghĩ: "Con ta chưa hề nghe tiếng "không có". Ta làm sao giảng cho nó hiểu đây?". Phu nhân rửa sạch một chiếc bát vàng, lấy chiếc bát vàng khác úp lên, rồi bảo người hầu đem đi nói: - Ðây, con trao cái này cho cậu. Lúc ấy, chư thiên cõi trời giữ thành tự nghĩ: "Trong kiếp trước, chủ nhân chúng ta là Annabhàra đã cúng dường phần thức ăn mình cho vị Phật Ðộc Giác Uparittha, và phát nguyện: "Xin đừng bao giờ nghe tiếng "không có". Chúng ta biết hết đầu đuôi câu chuyện mà có thái độ thờ ơ, coi chừng đầu nứt thành bảy miếng. Nghĩ vậy, chư thiên bèn cho vào chiếc tô ấy đầy những chiếc bánh chư thiên vẫn dùng. Người hầu mang tô đến, đặt trước mặt sáu vị vương tôn và mở ra. Mùi bánh thơm ngào ngạt khắp cả kinh thành. Hơn thế, mỗi miếng bánh được cho vào miệng liền gây cảm giác khoan khoái cho đủ cả bảy ngàn dây thần kinh vị giác. Vương tử A-na-luật nghĩ thầm: "Ðúng là lâu nay mẹ không thương mình, chưa bao giờ mẹ làm cho mình ăn thứ bánh "không có" này. Chàng đến gặp mẹ, hỏi: - Mẹ ơi, mẹ không thương con phải không? - Kìa con, nói gì vậy? Mẹ cưng con hơn mắt mẹ, quý con hơn tim mẹ mà. - Mẹ thân yêu ơi, nếu mẹ thương quý con, sao trước giờ mẹ không cho con ăn thứ bánh "không có" này? Phu nhân hỏi người hầu: - Này con, trong chiếc bát có gì không? - Thưa phu nhân, có. Trong bát đầy những chiếc bánh con chưa từng thấy bao giờ. Phu nhân suy nghĩ: "Con ta thường làm việc thiện. Chắc chư thiên đã cho bánh của các vị". Vương tử A-na-luật lại bảo: - Mẹ thân yêu ơi, con chưa bao giờ được ăn thứ bánh ấy. Từ rày mẹ chỉ chiên bánh này cho con ăn thôi nhé. Về sau mỗi khi cậu đòi "cho con ăn bánh", phu nhân lại rửa sạch một chiếc bát vàng, lấy chiếc bát vàng khác úp lên cho mang đến, và chư thiên lại sắp đầy bánh của cõi trời vào bát. Cậu cứ thế sống trong sự chăm chút nâng niu của gia đình, chẳng bao giờ biết đến nghĩa chữ "không có", và ăn toàn bánh chư thiên. Khi nhiều vị vương tôn công tử thuộc hoàng tộc Thích-ca nối tiếp nhau lần lượt xuất gia, nhập vào Tăng đoàn đức Thế Tôn, ngài Mahanam đến gặp cậu em A-na-luật bảo: - Này em, gia đình ta chưa có ai xuất gia làm Sa-môn. Hai anh em mình phải có một người xuất gia theo Phật mới được. Cậu đáp: - Từ trước tới giờ em quen sống được chăm sóc chu đáo. Em không thể xuất gia làm Sa-môn được đâu anh. - Thế thì em coi sóc ruộng vườn đi, anh sẽ xuất gia. - Coi sóc ruộng vườn là làm sao? Cậu không biết đến cả chuyện thực phẩm từ đâu có, làm sao biết việc trông nom ruộng vườn? Có lần ba vương tử A-na-luật, Bạt-đề và Kiếp-tân-na bàn tán về vấn đề: "Cơm từ đâu có?". Kiếp-tân-na nói trước: - Cơm lấy từ kho ra. (Kiếp-tân-na từng thấy người ta đem gạo chất vào kho nên tưởng rằng cơm từ kho mà có). Bạt-dề bảo Kiếp-tân-na: - Cậu chẳng biết gì cả. Cơm lấy từ trong nồi cơm. (Một hôm Bạt-đề thấy cơm được bới từ nồi nấu cơm ra nên bảo cơm từ nồi mà có). A-na-luật bảo hai vương tử: - Các cậu đều không biết gì. Cơm lấy từ chiếc liễn vàng có quai nạm ngọc kia. (Cậu chưa từng thấy người ta giã gạo hay nấu cơm, chỉ thấy cơm sau khi đã được múc từ nồi nấu ra, đặt trước mặt cậu trong chiếc liễn vàng). Như vậy, làm sao vị vương tôn có phước báo lớn này lại rành chuyện ruộng vườn? Vương tử Mahanam bảo: - Này A-na-luật, anh sẽ cho em hay một gia chủ phải làm gì nhé! Trước hết em cho cày ruộng.. Ông bắt đầu giảng giải cho em nghe các thứ công việc. Nghe anh liệt kê một dọc nhiệm vụ công tác mà một vị chủ nhân phải đảm đương, cậu nói: - Em chẳng làm xong vai trò chủ nhân ấy đâu. Em xin phép mẫu thân xuất gia làm Sa-môn. Cùng với năm ông hoàng khác của dòng Thích Ca, cậu từ giã thành Ca-tỳ-la-vệ, trước hết đến vườn xoài Anupiya gặp Phật xin xuất gia. Tôn giả tu hành tinh tấn và sau một thời gian chứng Tam minh. Tôn giả có thể dùng Thiên nhãn thấy suốt ba ngàn đại thiên thế giới dễ dàng như ngắm trái cây trong lòng bàn tay. Ngồi trên đơn, Tôn giả ngâm kệ: Ta biết hết đời ta những kiếp trước Ta đã đắc thiên nhãn, đắc thần thông. Tam thông ta đạt, và ta thấu triệt. Giáo pháp nhiệm mầu của đức Thế Tôn. Rồi Tôn giả suy nghĩ: "Ta đã làm những gì để được như vậy?". Liền khi ấy, Tôn giả biết: "Vào thời Phật Padumuttara, ta đã có lời phát nguyện. Sau thời gian luân hồi qua lại, ta được tái sanh ở Ba-la-nại vào thời nọ và sống bằng nghề làm mướn cho quan chưởng khố Sumana. Tên ta là Annabhàra". Tôn giả ngâm kệ tiếp: Trong một kiếp ta là người cắt cỏ Tên Annabhàra, kẻ làm mướn nghèo cùng Ta đã cúng dường bữa cơm thật khiêm nhường Cho vị Phật Uparittha danh tiếng. Bỗng Tôn giả chợt nghĩ: "Quan chưởng khố Sumana bây giờ ở đâu? Ông đã tặng ta tiền đổi lấy phần cơm ta cúng dường Phật Uparittha, và nhận phần phước đức cúng dường ấy". Tôn giả liền thấy được quan chưởng khố ngay: "Nơi rừng Vinjha, tại một chân núi ở thị trấn Munda, có Phật tử tên là Mahà Munda. Con trai lớn của ông tên là Mahà Sumana, còn người con trai thứ tên là Culla Sumana, chính là quan chưởng khố Sumana tái sinh". Thấy được quan chưởng khố rồi, Tôn giả nghĩ tiếp: "Ta có nên đến đấy không?" Tôn giả quán sát và thấy rằng khi Tôn giả vừa gặp, Culla Sumana tuy mới bảy tuổi cũng sẽ xuất gia và đắc quả A-la-hán rất nhanh. Quán sát xong xuôi, vì mùa mưa sắp đến, Tôn giả dùng thần thông bay đến cổng làng. Chuyện hiện tại: 12C. Sa-Di Sumana Và Long Vương Trong một kiếp quá khứ, Phật tử Mahà Munda là bạn thân của Tôn giả A-na-luật. Do đó, đến giờ khất thực, thấy Tôn giả đắp y, ông bảo người con trai lớn là Mahà Sumana: - Này con, Trưởng lão A-na-luật tôn quý của cha đã đến. Nếu thấy chưa có ai cầm bát Ngài, con hãy ra đỡ bát đem vào đây, cha sẽ sửa soạn chỗ ngồi cho Ngài. Mahà Sumana vâng lời. Phật tử Munda tiếp rước cúng dường hết sức chu đáo, và thỉnh Tôn giả ở lại an cư mùa mưa. Ngài nhã nhặn nhận lời. Suốt ba tháng an cư, vị Phật tử thuần thành chăm sóc Tôn giả cung kính tận tình như chỉ mới một ngày vậy. Ðến buổi đại lễ Pavàranà, ông đem đường mật, dầu ăn, gạo.v.v.. đặt dưới chân Tôn giả, thưa: - Bạch Ngài, xin Ngài nhận những phẩm vật này. - Thôi đủ rồi, đạo hữu, tôi chẳng dùng các thứ này mấy. - Bạch Ngài, đây là phần thường cúng dường cho các vị an cư. Thỉnh Ngài nhận cho con. - Thôi đủ rồi, đạo hữu ạ. - Bạch Ngài, sao Ngài không nhận? - Tôi không có Sa-di thị giả. - Bạch Ngài, vậy xin cho con trai tôi, Mahà Sumana, làm Sa-di thị giả Ngài. - Này đạo hữu, Mahà Sumana chắc không được. - Vậy xin Ngài nhận Culla Sumana vào Tăng đoàn. - Tốt lắm. Tôn giả nhận lời rồi, cho Culla Sumana xuất gia. Chưa bao lâu cậu đã đắc quả A-la-hán. Tôn giả ở lại thêm nửa tháng rồi nghĩ: "Ta sẽ về thăm đức Thế Tôn". Từ biệt gia quyến ông Mahà Munda, Tôn giả bay đến vùng Hy Mã, và đáp xuống ở Arannakutika. Tôn giả vốn tính rất năng động nên sau một đêm kinh hành vào giấc đầu hôm và giấc khuya, Tôn giả bị chứng khó tiêu. Chú Sa-di để ý thấy thầy tái xanh, hốc hác, bèn thưa hỏi: - Bạch thầy, thầy bị bệnh sao ạ? - Ta bị khó tiêu. - Bạch thầy, có bao giờ thầy bị bệnh này chưa? - Có. - Bạch thầy, lấy thuốc gì chữa? - Này chú, nếu ta uống nước hồ Anotatta thì ổn ngay. - Vậy con sẽ đi kiếm nước ấy. - Này Sa-di, chú có làm được không? - Bạch thầy, được ạ! - Thế thì long vương Pannaka đang ở hồ Anotatta biết ta. Hãy cho vị ấy biết là chú đến xin một bình nước làm thuốc. - Vâng ạ. Chú Sa-di đảnh lễ thầy, bay lên không trung đến hồ Anotatta cách đó năm trăm hải lý. Hôm ấy long vương đang định mở hội vui chơi dưới nước, có ca vụ giúp vui. Do đó thấy chú Sa-di đến gần, long vương nổi giận, nói thầm: "Tên Sa-di trọc đầu kia đi lung tung chân bắn cả bụi đất lên đầu ta. Chắc hẳn kiểu này là đi lấy nước ở hồ Anotatta về uống đây. Ðược, ta sẽ chẳng cho hắn một giọt nào tất". Long vương bèn nằm xuống, giương vây ra che kín hết cái hồ rộng đến năm mươi hải lý, như ta lấy chiếc dĩa lớn đậy lên cái ấm. Chú Sa-di quan sát thấy cung cách Long Vương, bèn nghĩ: "Ngài đang giận". Chú nói kệ: Hãy nghe, hỡi Long vương! Kẻ sức mạnh phi thường Và sức nóng kinh khiếp, Ta vượt bao dặm đường Ðến xin người chút nước Vì chữa bệnh thầy ta. Long vương đáp: - Nơi phía đông có dòng sông hùng mạnh, Tuôn chảy ra biển cả, gọi sông Hằng, Ðến đấy đi, đến lấy nước mà uống! Chú Sa-di nghe, nghĩ thầm: "Con rồng này không muốn cho ta nước. Vậy phải dùng vũ lực, hiện đại thần thông lấy nước mới được". Chú bảo Long vương: - Ðại vương, thầy tôi dạy phải lấy nước hồ Anotatta chứ không lấy ở đâu khác. Giờ tôi phải lấy nước này thôi. Ðại vương đi đi, chớ kiếm cách cản trở tôi mãi. Chú nói kệ: Chỉ nước hồ này tôi mới lấy Chỉ nước hồ đây tôi mới cần Nếu đủ quyền năng và sức mạnh Tự điều phục đi, hỡi rồng thần! Long vương đáp: Sa-di! Lời ngươi ta tán thán. Nếu ngươi đủ sức, đủ trưởng thành, Thì nước hồ ta, ngươi cứ lấy, Trổ tài cho xứng bực hùng anh. Sumana trả lời: - Ðại vương, vậy thì tôi lấy nước đây. Long vương thách: - Ngươi lấy được cứ lấy. - Ðược lắm. Quyết định chắc chắn một lời thôi đấy. Chú buộc long vương phải nói ba lần như trên. Rồi chú tự nghĩ: "Ta cần phải biểu dương sức mạnh giáo pháp Phật-đà ngay trong chuyện lấy nước này". Chú bay lên trời gặp chư thiên. Chư thiên đảnh lễ chú, thưa: - Bạch Ngài, Ngài cần gì? - Sắp có trận chiến xảy ra giữa tôi và long vương Pannaka, ngự ở hồ Anotatta. Mời chư vị đến xem ai thắng bại. Cứ thế, chú đi mời Tứ Thiên Vương, Ðế Thích, Suyyama, Santusita, Paranimmita-Vasavatì, và nói như trên. Rồi chú đi xa hơn, đến tận chín cõi trời Phạm Thiên. Chín vị Phạm thiên đều đến đảnh lễ chú và thưa: - Bạch Ngài, Ngài cần gì? Chú lại nói như trên. Như vậy, chú qua hết các thế giới chỉ trong chốc lát, viếng tất cả cõi trời, trừ ra cõi Vô Tưởng và cõi Vô Sắc Ðại Phạm, và chú cũng nói những lời ấy. Tất cả chư Thiên tụ hội trên hồ Anotatta, đông kín đặc bầu trời y như khi ta đổ bột chì vào trong đấu vậy. Xong xuôi, chú Sa-di mới đứng trên không bảo long vương: Hãy nghe, hỡi Long vương! Kẻ sức mạnh phi thường, Và sức nóng kinh khiếp, Ta vượt bao dặm đường Ðến xin ngươi chút nước Về chữa bệnh thầy ta. Long vương đáp: Sa-di! Lời ngươi ta tán thán Nếu ngươi đủ sức, đủ trưởng thành Thì nước hồ ta, ngươi cứ lấy, Trổ tài cho xứng bực hùng anh. Buộc long vương phải nói ba lần như vậy xong, chú Sa-di liền hiện thân thành Phạm thiên cao mười hai hải lý, từ trên không bay xuống đạp lên vây long vương, ép đầu hắn xuống, rồi dùng hết sức bình sinh đè lên người long vương. Giống như người có sức mạnh đạp tấm da ướt, chú Sa-di vừa đạp lên chiếc vây long vương, nó liền cuộn từ khúc cỡ bằng cái muỗng và tuột đi. Từ mỗi chỗ khúc cuộn tuột đi đó, bắn lên những vòi nước cao bằng thân cây thốt nốt. Chú chỉ việc đứng trên không trung đưa bình ra hứng. Chư thiên trầm trồ tán thán. Quá hổ thẹn và căm giận chú Sa-di, mắt long vương quắc lên, đỏ như dâu chín, lòng tự nghĩ: "Gã này rủ rê chư thiên đến rồi đạp lên vây ta để làm nhục. Ta sẽ tóm hắn, cho tay hắn vào mồm ta và bóp nhừ tim hắn ra. Hoặc ta sẽ túm chân hắn ném xuống sông Hằng". Long vương giở hết tốc lực đuổi theo chú Sa-di, nhưng vẫn không kịp. Sumana về đến nơi liền đặt bình nước vào thay thầy chú, thưa: - Bạch thầy, mời thầy dùng nước. Lúc ấy, long vương vừa đuổi theo đến nơi, vội thưa Tôn giả: - Bạch Ngài, vị Sa-di của Ngài đã lấy nước mà tôi không cho. Xin Ngài chớ uống. - Này Sa-di, đúng như vậy không? - Bạch thầy, mời thầy cứ việc dùng. Nước này là chính long vương đã cho con đấy ạ. Tôn giả biết chú Sa-di đắc quả A-la-hán không thể nói lời vọng ngữ nên liền uống. Ðược vài ngụm, Tôn giả thấy dễ chịu. Long vương bạch: - Bạch Ngài, vị Sa-di của Ngài đã gọi chư Thiên đến và làm nhục tôi trước mặt họ. Tôi định xé tim chú ấy ra, hoặc túm chân ném chú xuống sông Hằng. - Ðại vương, vị Sa-di này có đại thần thông, Ðại vương không đánh lại đâu. Vậy hãy sám hối mà đi về. Không cần ai nói long vương cũng biết dư chú Sa-di có đại thần thông, rượt theo chú chẳng qua vì quá mất mặt mà thôi. Do đó long vương vâng lời Tôn giả, sám hối chú Sa-di và kết bạn với chú. Long vương nói: - Từ rày trở đi khi nào cần nước hồ Anotatta, Ngài khỏi phải nhọc mình đi lại. Xin nhắn một tiếng, tôi sẽ đích thân mang đến. Rồi long vương từ biệt. Tôn giả A-na-luật đem chú Sa-di theo về. Ðức Thế Tôn biết Tôn giả đang trên đường đến gặp Ngài, bèn ở lại lâu đài Mẹ Migara chờ. Các thầy Tỳ-kheo thấy Tôn giả đến đều ra đón, đỡ y bát cho Tôn giả. Vài thầy xoa đầu, nhéo tai Sumana, đùa: - Sa-di ơi, chú không thấy tu hành cực khổ sao? Ðức Phật thấy vậy nghĩ: "Các Sa-môn này đùa cợt chú Sa-di thật là lầm lớn. Các ông ấy tự do cầm nắm người chú như ta tóm cổ một con rắn độc, không biết chú có đại thần thông. Hôm nay ta nên cho họ biết tài đức của Sa-di Sumana". Trưởng lão A-na-luật đến đảnh lễ Phật và ngồi qua một bên. Ðức Thế Tôn thân mật hỏi Tôn giả, rồi quay sang bảo ngài A-nan: - Này A-nan, ta muốn lấy nước hồ Anotatta để rửa chân. Ông hãy đưa bình đựng nước cho các Sa-di đi lấy nước! Tôn giả A-nan cho gọi hết năm trăm vị Sa-di của tinh xá, trong đó có Sumana nhỏ tuổi nhất. Tôn giả bảo chú Sa-di lớn nhất: - Này Sa-di, đức Thế Tôn muốn rửa chân bằng nước hồ Anotatta. Hãy mang bình đi lấy nước nghe. - Bạch Ngài, con không làm việc ấy được. Chú Sa-di lớn tuổi nhất không muốn đi liền thưa vậy. Tôn giả lần lượt hỏi các Sa-di khác, chú nào cũng từ chối. Thế không có vị Sa-di nào đắc quả A-la-hán sao? Tất nhiên là có, nhưng sở dĩ các vị từ chối vì biết: "Lẵng hoa này chẳng phải kết dành cho chúng ta. Chính là vì Sa-di Sumana đấy". Còn những vị chưa đắc quả Tu-đà-hoàn thì từ chối vì họ biết không đủ sức đảm đương công tác ấy. Cuối cùng đến phiên Sumana. Tôn giả A-nan lặp lại: - Này Sa-di, đức Thế Tôn muốn rửa chân bằng nước hồ Anotatta, và biểu chú đem bình đi lấy nước. - Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn muốn con đi lấy nước, con sẽ đi. Chú đảnh lễ Phật, thưa: - Bạch Thế Tôn, con được biết Ngài muốn con đi lấy nước hồ Anotatta. - Ðúng thế, Sumana. Chú chọn trong đám bình hũ bằng vàng của tinh xá do bà Visàkhà đặt làm để cúng dường, một chiếc hũ lớn bằng sáu mươi bình nước thường. Chú tự bảo: "Mình chẳng cần quảy nó lên vai làm chi". Chú xách hũ lủng lẳng nơi tay, bay vút lên không, nhắm hướng vùng Hy Mã thẳng tiến. Chú Sa-di còn ở xa, long vương đã thấy vội ra đón, đỡ chiếc hũ đặt lên vai mình và nói: - Bạch Ngài, chừng nào Ngài còn có con hầu hạ trong cõi giới này, Ngài đâu cần nhọc sức tự mình đi? Nếu cần nước, sao Ngài không tin cho con hay? Ðổ nước đầy hũ rồi tự vác lên vai, long vương thưa: - Xin Ngài đi trước, con sẽ đích thân mang hũ nước. - Ðại vương đừng đi. Ðức Thế Tôn biểu tôi đi đấy. Chú buộc long vương phải quay lại, và đưa tay cầm miệng hũ, chú bay lên biến mất dạng vào không trung. Ðức Phật thấy chú về, bảo các thầy Tỳ-kheo: - Này các Tỳ-kheo, các ông hãy xem vẻ trang nhã của chú Sa-di. Chú bay trong không trung thanh thoát như một con ngỗng chúa. Sumana đặt hũ nước xuống, đảnh lễ Phật. Phật hỏi: - Sumana, con bao nhiêu tuổi? - Bạch Thế Tôn, con được bảy tuổi. - Vậy thì Sumana, hôm nay con được thọ giới Tỳ-kheo. Và đức Phật truyền giới cụ túc cho Sumana. Trong Tăng đoàn tương truyền chỉ có hai vị Sa-di bảy tuổi được thọ cụ túc giới: Sumana và Sopàka. Sumana được thọ giới Tỳ-kheo rồi, các thầy Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường: - Chư huynh đệ, thật là một việc tốt đẹp biết bao! Vị Sa-di này thần thông thật là siêu việt. Chúng ta chưa từng thấy thần thông cao tuyệt như thế. Lúc ấy, đức Phật đi đến hỏi: - Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây bàn luận việc gì? Khi nghe các thầy bạch lý do, Ngài bảo: - Này các Tỳ-kheo, sự chứng đắc ấy ngay cả một Tỳ-kheo nhỏ tuổi vẫn có thể đạt được trong giáo pháp ta, nếu người ấy tinh tấn. Ngài nói kệ: (382) Tỳ-kheo tuy nhỏ tuổi, Siêng tu giáo pháp Phật, Soi sáng thế gian này, Như trăng thoát khỏi mây. -------------------------------- Trích từ: Tích truyện Pháp Cú Thiền viện Viên Chiếu Nguyên tác: "Buddhist Legends", Eugene Watson Burlingame __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() | #20 |
Thành viên ![]() Tham gia ngày: Mar 2012 Bài gởi: 3.052 Thanks: 802 Thanked 1.711 Times in 793 Posts | ĐỨC PHẬT SÁNG NGỜI Mặt trời sáng ban ngày ... Ðức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại lâu đài Mẹ Migàra, liên quan đến Tôn giả A-nan. Vào ngày lễ Tự tứ, vua Ba-tư-nặc đến tinh xá, nhà vua trang phục tô điểm thật rực rỡ, tay mang đầy hương hoa, chuỗi ngọc. Lúc ấy Tôn giả Ca-lưu-đà-di ngồi ở vòng ngoài chúng hội Tỳ-kheo, đang nhập định, toàn thân tỏa ra một luồng hỷ lạc, sáng như vàng. Và mặt trời đang lặn, mặt trăng vừa mọc. Tôn giả A-nan ngắm ánh mặt trời hoàng hôn, ngắm ánh trăng đang lên, nhìn vẻ rực rỡ của châu ngọc trên người vua, nhìn vàng hào quang sáng quanh Ngài Ca-lưu-đà-di, và cuối cùng nhìn đức Như Lai. Hào quang trên thân đức Thế Tôn vượt xa hơn tất cả. Ngài đến bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, hôm nay con ngắm ánh sáng của những thân và vật ấy, chỉ có hào quang Ngài làm cho con mãn nguyện, vì thân Ngài chiếu ánh sáng rực rỡ hơn hẳn các ánh sáng khác. Ðức Phật bảo: - Này A-nan, mặt trời chiếu sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, nhà vua thì sáng khi trang điểm lộng lẫy, các vị A-la-hán thì sáng khi nhập định thoát phàm. Nhưng chỉ có chư Phật luôn luôn chiếu sáng ngày cũng như đêm, rực rỡ hơn gắp năm lần. Ngài nói kệ: (387) Mặt trời sáng ban ngày. Mặt trăng sáng ban đêm. Khí giới sáng Sát-lỵ. Thiền định sáng Phạm chí. Còn hào quang đức Phật, Chói sáng cả ngày đêm. Chú giải: Giới đức của Phật có oai lực sáng tỏ, làm lu mờ điều bất thiện. Ðức hạnh của Ngài có oai lực làm lu mờ các tật xấu. Oai lực của trí tuệ che lấp vô minh. Oai lực của chánh hạnh che lấp điều bất chánh. --------------------------- Theo: Tích truyện Pháp Cú Thiền viện Viên Chiếu Nguyên tác: "Buddhist Legends", Eugene Watson Burlingame __________________ Đức Thế Tôn THÍCH CA MÂU NI là bậc Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn Con tôn kính Ngài và thành tâm cuối đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn |
![]() ![]() | ![]() |
![]() ![]() |
Ðang đọc: 1 (0 thành viên và 1 khách) | |
Ðiều Chỉnh | |
Xếp Bài | |
| |